Sau 5 năm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng: Tạo tiềm lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu - 16/10/2015 15:00 54 0
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 - 2015 là một trong 3 chương trình đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Sau 5 năm, chương trình đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

 

Bệnh viện Y học cổ truyền Tây Ninh được đầu tư xây mới.

Theo nội dung chương trình, có tổng cộng 110 đề án, dự án (gọi tắt là dự án) cần thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, tỉnh đã và đang triển khai 72 dự án, trong đó có 52 dự án đã hoàn thành.

Trong giai đoạn này, có 2 dự án hạ tầng thuỷ lợi do Trung ương quản lý đầu tư với tổng vốn 822,527 tỷ đồng. Ngoài ra còn có dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Tây Ninh. Các dự án do tỉnh quản lý đầu tư tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng. Đồng thời còn có một số dự án do doanh nghiệp đầu tư (xã hội hoá) ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng.

Đến giữa năm 2015, dự án hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng (do Trung ương quản lý đầu tư) đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, góp phần tăng hiệu quả tưới tiêu, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Hệ thống thuỷ lợi Phước Hoà đang trong giai đoạn hoàn thiện, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở huyện Tân Biên và Châu Thành.

Đối với các dự án, đề án do địa phương quản lý đầu tư, mặc dù ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng UBND tỉnh đã quan tâm tập trung nguồn lực để đầu tư cho Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015. UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp như:

Khai thác các nguồn thu, cơ cấu lại nguồn chi, tập trung vốn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông; đầu tư theo đúng quy hoạch được duyệt, phù hợp với khả năng nguồn vốn đầu tư; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; rà soát, sửa đổi, ban hành kịp thời các văn bản quản lý về đầu tư và xây dựng; tăng cường công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án và đấu thầu; khuyến khích phát triển lực lượng tư vấn;

Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra; tăng cường phân cấp trong công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; áp dụng nghiêm ngặt các chế tài trong giám sát thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình...

Các giải pháp này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong tất cả các lĩnh vực quan trọng của xã hội: giao thông, cơ sở hạ tầng, thuỷ lợi, y tế, giáo dục... góp phần không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian vừa qua.  

Sau 5 năm, chủ trương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đã mở rộng mạng lưới giao thông nội tỉnh. Hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh hiện đã thông suốt, bảo đảm giao thông đối nội, từng bước phát triển hệ thống giao thông đấu nối với các tỉnh, thành phố, trong vùng và các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia.

Song song đó, hạ tầng thuỷ lợi được tỉnh quan tâm đầu tư nhằm nâng cao năng lực tưới tiêu, cấp nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc thi công hoàn chỉnh dự án hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng và khu tưới trên địa bàn tỉnh, Tây Ninh cũng đã xây dựng một số trạm bơm, đê bao phục vụ cho diện tích nông nghiệp phía Tây sông Vàm Cỏ.

Các công trình thuỷ lợi này đã dần phát huy được tác dụng, góp phần làm tăng sản lượng nông nghiệp cho tỉnh. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, phù hợp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong lĩnh vực công nghiệp, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cửa khẩu bước đầu đã tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giữ vững an ninh quốc phòng khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đồng thời, các công trình hạ tầng đô thị hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần cho thị xã Tây Ninh được công nhận đô thị loại III vào năm 2012, là thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2013.

Các dự án sử dụng nguồn vốn khác và xã hội hoá đã góp phần cải thiện đáng kể công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, giải quyết cơ bản vấn đề rác thải đô thị. Các dự án nhà ở xã hội cho công nhân và chuyên gia bước đầu đã được xây dựng, dù còn hạn chế về số lượng so với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, đây là xuất phát điểm để Nhà nước tiếp tục vận động các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng nơi ở khang trang, sạch đẹp cho công nhân nhằm bảo đảm an sinh xã hội và an ninh trật tự tại địa phương.

Ngoài ra, ngành Điện đã nỗ lực đầu tư, cải tạo lưới điện để bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, cơ bản bảo đảm khả năng cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng viễn thông cũng được đầu tư, nâng cấp, áp dụng công nghệ mới, bảo đảm đường truyền có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 - 2015 cũng còn một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ các dự án chưa triển khai là 38/110 dự án.

Một số giải pháp huy động các nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng chưa thực hiện được như: thí điểm đầu tư theo hình thức PPP; biên chỉnh trang, đổi đất lấy hạ tầng; việc kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức BT, BOT, BTO, việc huy động nguồn vốn ODA… dẫn đến không đáp ứng nguồn lực để bố trí thực hiện các dự án trong giai đoạn 2011 - 2015...

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế là do việc vận dụng các cơ chế, chính sách về huy động các nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, bất cập; nhận thức của từng ngành, từng cấp còn nhiều điểm chưa thống nhất.

Các dự án do Trung ương dự kiến đầu tư theo kế hoạch - nhất là các dự án giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tiền đề thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đến nay chưa rõ nét đã làm ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực xã hội của tỉnh.

Giải pháp tạo điều kiện khuyến khích phát triển lực lượng tư vấn tuy có phát triển về quy mô, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt chất lượng, dẫn đến chất lượng lập dự án, thiết kế - dự toán, giám sát một số dự án chưa đạt yêu cầu, kéo dài thời gian thực hiện, chất lượng chưa đạt, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, từ những tồn tại của nhiệm kỳ qua, cần rà soát để có giải pháp tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và các quy định có liên quan đến Luật Đầu tư công mới ban hành.

Cụ thể đối với lĩnh vực giao thông, tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đầu tư các tuyến đường giao thông quan trọng đi qua tỉnh. Tập trung hoàn thành các dự án quan trọng của tỉnh để gắn kết mạng lưới giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia (đường Xuyên Á, quốc lộ 22B, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài...).

Thời gian tới, tỉnh cần được hỗ trợ đầu tư các dự án giao thông liên kết các cửa khẩu, các huyện về thành phố Tây Ninh và vùng lân cận nhằm tạo mạng lưới giao thông vận tải đồng bộ, liên hoàn, bảo đảm lưu thông nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.

Về hạ tầng thuỷ lợi, tỉnh kiến nghị tiếp tục thực hiện khối lượng còn lại của dự án thuỷ lợi Phước Hoà (khu tưới Tân Biên), đê bao chống lũ ven sông Vàm Cỏ Đông và tranh thủ nguồn vốn Trung ương để đầu tư dự án hệ thống tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ từ nguồn nước hồ Dầu Tiếng.

Đối với hạ tầng cung cấp điện: Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ theo kế hoạch của Chương trình hành động, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là tại các khu, điểm công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư phát triển nhà ở công nhân. Đối với hạ tầng đô thị và hạ tầng các xã nông thôn mới, tỉnh đẩy mạnh khắc phục cơ bản tình trạng ngập úng trong mùa mưa ở thành phố Tây Ninh, triển khai thực hiện dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải Thành phố cùng các dự án cấp thoát nước tại Gò Dầu, Dương Minh Châu, Trảng Bàng, Hoà Thành. Đồng thời, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư cho các xã nông thôn đạt các chỉ tiêu về xã nông thôn mới, ưu tiên cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới…

Để thực hiện được các mục tiêu trên, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết sẽ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tiếp tục thực hiện các giải pháp về thu hút vốn đầu tư đã được ban hành trong chương trình hành động giai đoạn 2011-2015: đẩy mạnh xã hội hoá, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư để huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội;

Triển khai các hình thức huy động phù hợp để huy động vốn các doanh nghiệp, vốn dân trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đầu tư một số dự án có điều kiện, bức xúc, cần thiết phải đầu tư theo hình thức PPP, biên chỉnh trang, đổi đất lấy hạ tầng;

Khai thác các nguồn thu, nhất là các khoản thu về đất đai và cơ cấu lại nguồn chi, tập trung vốn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng...

 

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây