Đóng góp dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng: Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Thứ năm - 15/10/2015 12:00 87 0
Cũng có ý kiến đóng góp, dự thảo còn một số nội dung chưa sát, chưa toàn diện, cần làm rõ thêm mặt hạn chế, khuyết điểm cũng như nguyên nhân chủ quan; điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp, có tính khả thi cao hơn.

 

Đại biểu tham dự Đại hội thảo luận tại tổ. Ảnh: Đ.H.T

Ngày 15.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục ngày làm việc thứ ba. Đại hội được nghe công bố kết quả bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; kết quả bầu Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra.

Đại hội đã tiến hành bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc khoá XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Kết quả có 16 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết trúng cử.

Đại hội cũng nghe báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tại Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Hầu hết thống nhất với dự thảo các văn kiện và cho rằng: các văn kiện có sự chuẩn bị công phu, chất lượng; nội dung, bố cục hợp lý, chặt chẽ, đánh giá đúng thực trạng những thành tựu đạt được, những khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đóng góp, dự thảo còn một số nội dung chưa sát, chưa toàn diện, cần làm rõ thêm mặt hạn chế, khuyết điểm cũng như nguyên nhân chủ quan; điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp, có tính khả thi cao hơn.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung văn kiện ở mục I, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mục Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết) một số vấn đề như: Đánh giá việc thực hiện lộ trình cải cách tiền lương giai đoạn 2010 – 2015;

Vấn đề nền kinh tế phát triển không đồng đều, tập đoàn kinh tế Nhà nước hoạt động không hiệu quả, lãng phí nhiều tài sản, đất đai của nhân dân; Đánh giá từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta có những thuận lợi, khó khăn gì? Từ đó đề ra giải pháp trong nhiệm kỳ tới!

Ở mục II (Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 – 2020), có ý kiến cho rằng cần bổ sung phần mục tiêu, nhiệm vụ một số nội dung như: Từng bước củng cố và làm chủ không gian mạng bảo đảm giữ vững an ninh…; Đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện hiện đại hoá nền hành chính Nhà nước, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử công khai, minh bạch cho người dân.

Về các chỉ tiêu, có ý kiến cho rằng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm ở mức 6,5-7% là cao, đề nghị điều chỉnh còn 6 – 6,5% cho phù hợp. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38-40% là khó khả thi, vì thực trạng hạ tầng, đường giao thông chưa tương xứng.

Về xã hội, chỉ tiêu đề ra 10 bác sĩ/1 vạn dân là cao, đề nghị điều chỉnh còn 8 bác sĩ/1 vạn dân. Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 – 45% là chưa cụ thể. Đề nghị xác định rõ từng vùng, từng khu vực, vì ở thành phố, đồng bằng khó đạt tỷ lệ này. Chỉ tiêu từ 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh là khó khả thi, đề nghị điều chỉnh thành 70% cho hợp lý.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung văn kiện ở mục III (mục Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước) nội dung: Phát triển kinh tế biên mậu, thương mại biên giới. Ở mục IV, cần bổ sung: Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Ở mục V - Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, có ý kiến cho rằng cần quan tâm vấn đề đạo đức, lựa chọn đội ngũ giáo viên giỏi, có tâm huyết với nghề, đặc biệt là giáo viên bậc mầm non và tiểu học để tạo nền tảng căn bản ban đầu cho thế hệ tương lai.

Cần giải quyết dứt điểm các tiêu cực kéo dài gây bức xúc trong giáo dục. Phải chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan vì đó là một trong những yếu tố làm cho chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của xã hội hiện nay. Cần quan tâm hơn đến việc giáo dục kiến thức lịch sử, địa lý Việt Nam…

Ở mục VII – Phát triển văn hoá, xây dựng con người cần bổ sung một số nội dung như: “Từng bước xoá bỏ hủ tục lạc hậu, những tín ngưỡng không còn phù hợp với văn hoá hiện nay”; “Gia đình, nhà trường, xã hội phối hợp tìm giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng”; “Tăng cường đầu tư cho phát triển xây dựng văn hoá, các cơ sở vật chất, thể dục thể thao, du lịch, nhất là đối với các địa phương vùng sâu, đồng bào dân tộc, biển đảo”.

Ở mục VIII – Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, có ý kiến đề nghị bổ sung: Tăng cường thanh, kiểm tra công tác khám và điều trị cho người dân sử dụng bảo hiểm y tế; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có thái độ hách dịch khi bệnh nhân đến khám và điều trị.

Ở mục IX - Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, có ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung: Quy hoạch sử dụng đất ở nhiều nơi còn thiếu khoa học, không phù hợp nhưng chưa được mạnh dạn xóa bỏ, điều chỉnh, vẫn còn tồn tại nhiều năm tình trạng quy hoạch treo, làm ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi, đời sống của người dân.

Tình trạng không chấp hành xử lý chất thải theo quy định trước khi xả ra môi trường vẫn còn tồn tại ở nhiều doanh nghiệp. Một số địa phương do muốn thu hút đầu tư nên thiếu nghiêm khắc trong quản lý môi trường.

 

 

Đại biểu theo dõi nội dung tham luận bằng phóng sự truyền hình của huyện Trảng Bàng.

Đối với Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, ở mục đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, có ý kiến đề nghị phân tích thêm khả năng đạt chỉ tiêu “GDP theo giá hiện hành 2015 khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.200 USD”.

Ở mục II - Các hạn chế, yếu kém, đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung: Công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều yếu kém; chưa phù hợp với quy luật cạnh tranh theo cơ chế thị trường; còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền trong kinh doanh.

Ở nhiều nơi, một số trường học còn tình trạng chạy theo thành tích, chạy theo chỉ tiêu; chưa phản ánh đúng thực tế chất lượng dạy và học hiện nay.

Chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình 2010 – 2015 và cơ cấu bậc lương chưa hợp lý, cần tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, nâng mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu cho phù hợp nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Vấn đề “y đức” cũng được nhiều đại biểu quan tâm…

Mục Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cũng được nhiều đại biểu quan tâm, có nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất thể hiện cao tinh thần trách nhiệm và tâm huyết nhằm đóng góp cho dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được đầy đủ, hoàn thiện và sâu sắc.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây