Kết quả cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị: Đã đạt được những kết quả nền tảng quan trọng

Thứ tư - 03/01/2018 09:00 104 0
Nhìn chung, việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị ở tỉnh tuy mới thực hiện nhưng đã đạt được những kết quả nhất định. Đây là những nội dung nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

dat duoc.JPG

Hệ thống tưới mía hiện đại ở nông trường Thành Long.

Trước buổi gặp gỡ cuối năm giữa lãnh đạo tỉnh và người dân (26.12.2017), có ý kiến cho rằng, trong phát triển nông nghiệp, tiến độ thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm, chưa giải quyết được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; định hướng về cây trồng, vật nuôi chưa rõ. Người dân đề nghị tỉnh sớm có đề án thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Vấn đề trên được UBND tỉnh cho biết, trong thời gian qua, để phát triển nền nông nghiệp Tây Ninh theo hướng bền vững, cạnh tranh và hiệu quả, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, UBND tỉnh ban hành Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, tỉnh tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất các nông sản hiện có, đồng thời thúc đẩy một số vùng sản xuất kém hiệu quả chuyển đổi sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế. Đã có nhiều giải pháp tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp được xây dựng và triển khai.

Cụ thể, về trồng trọt, tỉnh đã triển khai thí điểm 13 mô hình mới có giá trị kinh tế cao như rau quả trong nhà kính, nhà lưới; cây ăn trái (chuối, thơm, xoài, bưởi, chanh dây, mãng cầu xiêm, mít, điều ghép cao sản...) hướng đến xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Các cây trồng truyền thống (lúa, mía, mì…) được định hướng sản xuất nâng cao giá trị gia tăng như đẩy mạnh thâm canh; xây dựng cánh đồng lớn; cơ giới hoá đồng bộ; tăng năng suất, chất lượng; liên kết sản xuất với tiêu thụ...

Tỉnh cũng đã quy hoạch 14 vùng và 2 điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với diện tích trên 5.000 ha để thu hút các nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tỉnh đã thu hút được một doanh nghiệp (Công ty cổ phần Lavifood) khởi công xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả, cây ăn trái với công suất 50.000 tấn sản phẩm/năm, sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại. Dự kiến, chủ đầu tư sẽ đưa nhà máy này vào hoạt động trong năm 2018.

Tỉnh đã thành lập 26 tổ liên kết sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ như: rau quả, lúa, mía, chuối, xoài, bưởi, cây có múi, đã có 11 cửa hàng kinh doanh rau an toàn; đã xây dựng mô hình liên kết thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.244 ha...

 Trong khi đó, lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung, an toàn sinh học. Hiện toàn tỉnh có 1.506 trang trại và gia trại. Chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển với trên 10.000 con.

Ngành Nông nghiệp đã tập trung lai tạo phát triển đàn bò thịt, triển khai dự án chăn nuôi gà ta theo hướng nâng cao hiệu quả và áp dụng VietGAHP trên địa bàn tỉnh với quy mô 4.500 con gà thịt. Đến nay, đã có 13 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP (12 cơ sở chăn nuôi heo, 1 cơ sở nuôi thuỷ sản).

Toàn tỉnh đã thành lập 26 tổ liên kết chăn nuôi gà ta, quy mô mỗi tổ từ 2.000-6.000 con, khả năng cung cấp cho thị trường bình quân 400 con gà/tổ/tháng. Các địa phương phối hợp với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam xây dựng và đưa vào kinh doanh 18 quầy thịt heo an toàn trên địa bàn tỉnh với nguồn cung ứng từ các cơ sở heo chứng nhận VietGAHP.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với UBND huyện Gò Dầu, Công ty Nutrivision khảo sát đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến gia súc với công nghệ hiện đại trên địa bàn Gò Dầu...

Thời gian qua, ngoài các chính sách hỗ trợ phục vụ sản xuất giúp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, tỉnh cũng đã ban hành thêm 6 chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đẩy mạnh sản xuất theo quy mô lớn, an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ cao.

Đó là các chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020; chính sách hỗ trợ đầu tư cánh đồng lớn; chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách hỗ trợ lãi suất phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhìn chung, việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị ở tỉnh tuy mới thực hiện nhưng đã đạt được những kết quả nhất định. Đây là những nội dung nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

Quan điểm của tỉnh là, để có được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ổn định, trước tiên phải tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần. Đây là quá trình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Do vậy, phải cẩn trọng, làm từng bước và cần có nhiều thời gian thực hiện.

Theo BTNO



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây