Khó khăn trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm

Thứ hai - 20/10/2014 00:00 132 0
Lâu nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tệ nạn mại dâm đang hoạt động biến tướng ngày một tinh vi. Tệ nạn mại dâm đang len lỏi, hoạt động “ngầm” trong các loại hình dịch vụ và đang được các cơ quan chức năng đấu tranh, triệt phá. Tệ nạn mại dâm không có biểu hiện hoạt động công khai, rầm rộ nhưng với hình thức biến tướng tinh vi, phức tạp khiến công tác kiểm soát gặp không ít khó khăn. Thủ đoạn của hoạt động mại dâm chủ yếu trá hình dưới dạng nhân viên hành nghề massage, quán cà phê giải khát, quán bar, quán nhậu, cắt tóc gội đầu, karaoke...

 

 

Để kiềm giảm tệ nạn mại dâm trên địa bàn, thời gian qua, Tây Ninh đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ, giúp đỡ người mại dâm hoàn lương, mong muốn được hoàn lương, bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả để giúp các đối tượng này xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng một cách bền vững như mô hình phòng, ngừa trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng; mô hình cơ sở hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng...

Bên cạnh đó công tác đấu tranh phòng chống mại dâm cũng được lực lượng Công an tỉnh, các ngành chức năng triển khai thường xuyên. Mặc dù, lực lượng Công an cũng như cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong phòng, chống tội phạm mại dâm; song, hiệu quả chưa cao, tệ nạn mại dâm vẫn có chiều hướng phát triển mạnh. Quá trình phòng ngừa và đấu tranh còn nhiều khó khăn.

Đề phòng, chống mại dâm có hiệu quả, một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định là phải thống nhất về nhận thức, có sự tham gia đông đảo với ý thức trách nhiệm của cộng đồng, các đoàn thể, tổ chức và mọi thành viên.

Hiệu quả hoạt động phòng, chống mại dâm gắn liền với một số lĩnh vực quản lý xã hội như: quản lý con người; quản lý hộ khẩu, nhân khẩu; quản lý lao động, quản lý giáo dục các loại đối tượng; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Nhưng thực tế, việc quản lý còn buông lỏng, bộc lộ nhiều bất cập và thiếu các điều kiện đảm bảo. Đây là những kẽ hở, là điều kiện thuận lợi mà các đối tượng lợi dụng hoạt động mại dâm.

Đối tượng hoạt động mại dâm rất phức tạp về thành phần, đa dạng về loại hình và với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, che giấu sự phát hiện và điều tra, xử lý của cơ quan chức năng. Muốn phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đòi hỏi phải có lực lượng chuyên trách vững mạnh, có sự đầu tư phương tiện, điều kiện vật chất cần thiết; nhưng hiện nay lực lượng chuyên trách còn quá mỏng, chưa đủ các điều kiện đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong giai đoạn hiện nay, cần phải tạo cho được sự đồng thuận về nhận thức, quan điểm và huy động cho được sự tham gia đông đảo của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống mại dâm bằng những nội dung, biện pháp cụ thể thì mới đem lại hiệu quả cao. Phải chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tệ nạn mại dâm, từ việc tuyên truyền, giáo dục đến phòng ngừa và đấu tranh. Đồng thời, phải gắn công tác phòng, chống mại dâm với công tác hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, nhất là số phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn; tổ chức các dịch vụ giải trí, sinh hoạt văn hóa; giáo dục đạo đức, lối sống… để làm giảm các điều kiện, nguyên nhân phát sinh, phát triển tệ nạn mại dâm.

Thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ nghi hoạt động mại dâm; đối với các cơ sở vi phạm cần phải xử lý kiên quyết, đình chỉ hoạt động, không để các đối tượng tiếp tục lợi dụng tổ chức hoạt động mại dâm. Đồng thời, xử lý kiên quyết đối với các đối tượng liên quan đến mại dâm. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; tổ chức lực lượng tấn công, trấn áp các tụ điểm hoạt động mại dâm.

Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết để rút kinh nghiệm tiếp tục chỉ đạo; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phòng, chống tệ nạn mại dâm và quản lý, giáo dục giúp đỡ người mại dâm tại cộng đồng. Xác định rõ phạm vi trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ, nội dung yêu cầu và biện pháp, cách thức tiến hành đối với từng cấp, từng ngành, từng lực lượng. Cần tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách phòng, chống mại dâm đủ mạnh, trang bị các phương tiện đảm bảo các điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Phải tăng cường các hoạt động quản lý xã hội, đặc biệt chú ý đối với các lĩnh vực liên quan đến hoạt động phòng, chống mại dâm như: quản lý hộ khẩu, nhân khẩu; quản lý lao động, số nữ thanh niên chưa có việc làm; quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ; quản lý các loại đối tượng hoạt động mại dâm.

MN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây