Khó khăn trong việc đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện tập trung

Thứ sáu - 19/09/2014 00:00 203 0
Vì sao người nghiện ma tuý ngày càng tăng trong khi các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quản lý người nghiện sau cai? Để tìm hiểu về những vấn đề này, phóng viên Báo Tây Ninh đã tiếp xúc, phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

 

Ông Nguyễn Văn Quá phát biểu về những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện tập trung.

Thời gian qua, tình trạng người nghiện ma tuý ngày càng tăng đã trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.306 người nghiện ma tuý, trong đó số người nghiện có hồ sơ quản lý là 1.671– tăng 392 người so với cuối năm 2013; người nghiện mới phát hiện qua rà soát đến ngày 31.5.2014 là 635 người. Đa số người nghiện đều còn trẻ, độ tuổi từ 18 - 30 chiếm hơn 66%, và hầu hết nghiện ma tuý tổng hợp (ma tuý đá).

Vì sao người nghiện ma tuý ngày càng tăng trong khi các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quản lý người nghiện sau cai? Để tìm hiểu về những vấn đề này, phóng viên Báo Tây Ninh đã tiếp xúc, phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

PV: Thưa ông, phải chăng trong việc đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện bắt buộc có khó khăn nên hiệu quả cai nghiện chưa như mong muốn?

Ông Nguyễn Văn Quá: Hiện tại đang có 3 điểm khó khăn trong việc đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện tập trung bắt buộc:

Thứ nhất, đối với những người nghiện đang được theo dõi cai nghiện tại cộng đồng, một khi đối tượng này nghiện trở lại, muốn đưa đi cai nghiện tập trung thì rất khó khăn. Vì tại điểm 4, Điều 29 của Nghị định 111/2013/NĐ-CP thì “trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người được giáo dục không tiến bộ, vi phạm cam kết và đã được người được phân công giúp đỡ nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa, thì tổ chức được giao quản lý, giáo dục báo cáo chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp tại cơ sở để góp ý đối với người được giáo dục”. Thành viên cuộc họp này gồm đại diện lãnh đạo uỷ ban nhân dân cấp xã; trưởng công an cấp xã; công chức tư pháp - hộ tịch; người được phân công giúp đỡ và đại diện của cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục; đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp xã và đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở. Người được giáo dục, gia đình của người được giáo dục phải được mời tham dự cuộc họp. Quy định cũng nhấn mạnh: “Trường hợp người được giáo dục vắng mặt thì phải hoãn cuộc họp”. Đây chính là điểm gây khó khăn bởi hầu hết đối tượng nghiện ma tuý đều không muốn mình bị đưa đi cai nghiện tập trung, đương nhiên cũng sẽ tìm mọi cách để vắng mặt. Như vậy các cuộc họp sẽ không thực hiện được và những đối tượng nghiện vẫn ung dung tiêm chích ngoài xã hội, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Khó khăn thứ hai là việc thành lập tổ công tác cai nghiện theo Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA được ký kết giữa các Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 9.9.2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng. Theo đó, ngành Y tế phải có y, bác sĩ làm công tác điều trị cắt cơn, đồng thời Tổ y tế cai nghiện phải xác định đối tượng có còn nghiện nữa hay không. Theo yêu cầu thì cán bộ của Tổ phải được tập huấn cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện do cơ quan có thẩm quyền cấp. Thế nhưng hiện nay, trên cả nước vẫn chưa có một mô hình nào để làm chuẩn. Tại  Tây Ninh, trên thực tế cũng vẫn chưa có một xã nào hoàn chỉnh mô hình này, mà tất cả vẫn còn trên văn bản.

Khó khăn thứ ba là Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30.12.2013 của Chính phủ. Theo đó, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khá “nhiêu khê”. Đầu tiên, công an cấp xã tiến hành thu thập tài liệu, lập hồ sơ người nghiện chuyển cho trưởng phòng tư pháp cấp huyện, đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, gửi cho trưởng phòng LĐ-TB&XH cùng cấp. Trong 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH cấp huyện ra quyết định chuyển hồ sơ đề nghị TAND cấp huyện áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trình tự thủ tục hết sức rườm rà, khác hẳn với Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10.6.2004 của Chính phủ. Trước đây, theo Nghị định 135 thì chỉ cần phát hiện người nghiện hút, chích ma tuý sau khi kiểm tra có dương tính với chất ma tuý là có thể lập hồ sơ đưa lên UBND huyện để ra quyết định đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung.

Tính từ ngày 15.2.2014 khi Nghị định 221/2013/NĐ-CP có hiệu lực cho tới ngày 7.8.2014- thời điểm diễn ra hội nghị triển khai về công tác phòng chống tệ nạn ma tuý tại khu vực phía Nam, thì tại Tây Ninh (cũng như tất cả các tỉnh, thành trên cả nước) vẫn chưa có một đối tượng nghiện ma tuý nào bị đưa vào các trung tâm cai nghiện ma tuý bắt buộc. Hiện nay, do chưa có thông tư hướng dẫn từ các bộ, ngành liên quan nên việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung tại các trung tâm cai nghiện hết sức khó khăn.

PV: Trước đây, tại Trung tâm Giáo dục - Lao động Xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH từng xảy ra việc học viên trốn trại. Xin ông cho biết Sở và Trung tâm đã có những giải pháp gì để chấn chỉnh?

Ông Nguyễn Văn Quá: Trước đây hầu như tháng nào cũng có tình trạng học viên trốn trại. Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 2013, Sở LĐ-TB&XH đã kiện toàn tổ chức cơ cấu cán bộ và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tăng cường công tác quản lý, sâu sát học viên hơn. Do đó, từ tháng 3.2013 đến nay hoạt động Trung tâm đã đi vào nề nếp, các học viên luôn thực hiện tốt mọi quy định của Trung tâm, tình trạng học viên trốn trại không còn xảy ra.

PV: Hiện tình hình tái nghiện có xu hướng tăng nhanh, trong đó trên 50% là những người không có việc làm hoặc bỏ địa phương. Xin ông cho biết có giải pháp nào để khắc phục tình trạng tái nghiện hay không?

Ông Nguyễn Văn Quá: Về nguyên tắc, sau khi cai nghiện, các học viên hết nghiện được Trung tâm giao về cho địa phương. Địa phương có trách nhiệm quản lý các đối tượng này, họ đi đâu khỏi địa phương từ 3 ngày trở lên thì phải làm đơn xin phép và trình bày rõ ràng. Đồng thời địa phương và gia đình phải phối hợp tạo điều kiện, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng này. Tại các địa phương, các đội quản lý công tác xã hội tình nguyện có trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ để các đối tượng này không bị tái nghiện trở lại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số đội công tác xã hội tình nguyện tại Tây Ninh do mới thành lập, hoạt động chưa quen nên hiệu quả hoạt động chưa cao, vì vậy tỷ lệ tái nghiện ở một số nơi vẫn còn.

Để giảm bớt tình trạng tái nghiện ngoài cộng đồng, sắp tới Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức tập huấn thêm cho các đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn tỉnh nắm được nhiệm vụ và làm tốt công tác quản lý sau cai, góp phần giảm tỷ lệ người tái nghiện.

Cũng xin nói thêm là hiện Sở Y tế đang trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch điều trị cai nghiện ma tuý bằng methadone. Theo đó, sẽ tiến hành thí điểm cai nghiện bằng methadone cho 400 trường hợp nghiện ma tuý. Khi người nghiện được điều trị cai nghiện bằng methadone giảm được cơn nghiện ma tuý, hành động phạm pháp giảm bớt, sức khoẻ thể xác, tinh thần được cải thiện hơn và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm viêm gan B, C hay virus HIV do dùng chung kim tiêm.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây