Đường vào Khu công nghiệp Trảng Bàng.
Năm vừa qua, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) thực hiện được 42.230,3 tỷ đồng- tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013 (SCK). GDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) trong năm đạt được 2.383 USD- tăng 3 USD so KH và SCK tăng 244 USD. Tỷ trọng nông lâm - thuỷ sản - công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ trong GDP: 28,3% - 34,7% - 37%.
Ngành nông - lâm - thuỷ sản tiếp tục giữ vững được nhịp độ tăng trưởng ổn định. Dịch bệnh có xảy ra, nhưng được xử lý kịp thời, triệt để, không để dịch lây lan. Tình hình dịch hại trên các loại cây trồng phát sinh giảm SCK. Tổng giá trị ngành nông nghiệp (giá năm 2010) thực hiện trong năm được 24.590 tỷ đồng- đạt KH và tăng 5% SCK. Trong đó, giá trị ngành chăn nuôi đạt 3.739 tỷ đồng, chiếm 13,5% trong cơ cấu nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước được 932,5 ha. Sản lượng nuôi trồng đạt 17.295 tấn, tăng 12,9% SCK. Sản lượng khai thác đạt 3.280 tấn, tăng 1,3% SCK.
Sản xuất công nghiệp được phục hồi nhanh hơn, tốc độ tăng trưởng được cải thiện qua từng quý. Kết quả, giá trị sản xuất (giá năm 2010) thực hiện được 43.025,9 tỷ đồng- tăng 16% SCK. Một số ngành công nghiệp có giá trị sản xuất khá SCK như: sơ chế da, chế biến gỗ, các sản phẩm từ kim loại, dệt may, sản phẩm từ cao su, plastic, sản xuất điện, nước đá, sản xuất lương thực, thực phẩm và đồ uống.
Các ngành dịch vụ cũng phát triển nhanh hơn qua từng quý và tăng cao hơn nhiều so với những năm gần đây. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ (giá 2010) thực hiện trong năm được 22.740,7 tỷ đồng- tăng 11% SCK, đạt được KH đề ra. Xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ trọng xuất siêu khá cao. Kim ngạch xuất khẩu trong năm ước thực hiện 2.162 triệu USD- tăng 20% SCK, đạt KH đề ra và đạt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội. Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 1.479,6 triệu USD- tăng 21% SCK.
Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục giành được những thành tựu đáng kể. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhanh hơn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Hoạt động của các doanh nghiệp được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, đi vào sản xuất theo chiều sâu để chủ động tạo ra sản phẩm, mở rộng thị trường mới. Trong năm (tính đến 31.10) thu hút đầu tư nước ngoài đạt 818,3 triệu USD- tăng 62,4% SCK; thu hút đầu tư trong nước đạt 1.787,1 tỷ đồng- giảm 3,7% SCK. Đầu tư phát triển trên địa bàn thực hiện 19.984,9 tỷ đồng- bằng 36,1% GDP, vượt KH 1,1% và tăng 8% SCK.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Công tác chăm lo gia đình chính sách người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm và thực hiện tốt, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Trong năm, toàn tỉnh đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 21.500 lao động- tăng 7,5% so với KH và vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, dạy nghề đạt 57%.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 500 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, đồng thời xây mới và sửa chữa 468 căn nhà cho người có công với cách mạng. Trong năm, thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo được 1,5%- đạt KH. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện an toàn đúng quy chế, đạt kết quả cao. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 97,85%- tăng hơn năm học trước 3,68%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đạt 30%- tăng hơn năm trước 2%. Tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân trong năm đạt được 6,9 người- tăng hơn SCK. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 14,3%- đạt KH. Các chỉ tiêu về văn hoá - thể thao đều đạt KH và tăng hơn SCK.
Riêng lĩnh vực tài nguyên môi trường đạt được nhiều kết quả đáng kể. Một số chỉ tiêu về môi trường đạt KH như tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 94%; tỷ lệ dân cư thành thị dùng nước sạch 100%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 32,9%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Trong năm, tỉnh tiếp tục thực hiện 3 chương trình đột phá và các chương trình trọng điểm và đã thu được một số kết quả thiết thực, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.
Về chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng, trong năm tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 dự án, gồm 3 dự án giao thông và 1 dự án thuỷ lợi do địa phương đầu tư là: đường 786 từ thành phố Tây Ninh đến Huyện đội Bến Cầu; đường 782-784 giai đoạn 2; đường 781, đoạn từ cầu K13 đến ngã ba Suối Đá và trạm bơm Hoà Thạnh 2. Luỹ kế đến cuối tháng 10.2014, có 42/110 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Chương trình cải cách hành chính, tiếp tục duy trì 123 cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong các cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp; tiếp tục triển khai thực hiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Đến nay có 119 đơn vị được cấp chứng chỉ ISO 9001- 2008.
Về chương trình phát triển nguồn nhân lực, thực hiện đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ trong năm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 505 phòng học. Luỹ kế đến nay đã hoàn thành 1.221 phòng học và 64 nhà công vụ giáo viên. Trong năm, công nhận 9 trường đạt chuẩn quốc gia. Luỹ kế đến nay toàn tỉnh có 38 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và đầu tư xây dựng 38 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn. Công tác giáo dục và đào tạo đã có 95/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Công tác dạy nghề, đã đào tạo mới cho 22.461 lao động, tăng 4,5% KH.
Nghề chăn nuôi bò sữa đang phát triển ở Trảng Bàng.
Về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, trong năm toàn tỉnh đã cử 970 cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo về chính trị- hành chính; bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý Nhà nước cho 397 cán bộ, công chức; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 1.661 lượt cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 786 cán bộ, công chức cấp xã theo Đề án 1956 và cử 6 cán bộ, công chức, viên chức đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong năm, bình quân mỗi xã đạt 11,33 tiêu chí, tăng 2,7 tiêu chí so năm 2013. Đến cuối năm 2014 có 6 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới: Thạnh Đông (Tân Châu), Long Thành Trung (Hoà Thành), Phước Trạch (Gò Dầu), Bến Củi (Dương Minh Châu), An Tịnh (Trảng Bàng), Bình Minh (thành phố Tây Ninh).
Bước vào năm mới 2015, năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh, với những kết quả đạt được trong những năm qua, nhất là năm 2014, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh vững tin và ra sức phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đã đề ra.
Mục tiêu tổng quát năm 2015 của UBND tỉnh là: tiếp tục thực hiện các chương trình đột phá, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy kinh tế tăng trưởng; tăng cường huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng nông thôn mới; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, con người, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh giữ vững chủ quyền quốc gia, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo BTNO