Lược ghi tại Hội nghị trực tuyến về công tác cải cách hành chính năm 2014: Nhiều quy định không còn cần thiết vẫn cứ tồn tại

Thứ ba - 31/03/2015 11:00 31 0
Ngày 26.3.2015, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước bàn về công tác cải cách hành chính năm 2014, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2015 và vấn đề cải cách chế độ công chức công vụ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ trướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương đã tham dự hội nghị. Tham gia cuộc họp tại điểm cầu Tây Ninh có bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Văn Sử- Giám đốc Sở Nội vụ cùng nhiều đại diện sở, ban, ngành có liên quan.

luoc ghi 1.JPG

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu tại cuộc họp trực tuyến.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, đầu tư, kinh doanh, thuế, kho bạc, hải quan... nhằm tạo thuận lợi cho người dân và các nhà doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ tình hình thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5.8.2014 về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Trong cải cách thể chế, năm 2014, có 29 luật đã được Quốc hội thông qua, tiếp tục từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh các quan hệ kinh tế, xã hội trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều luật quan trọng giúp định hướng cho công tác cải cách hành chính ở một số lĩnh vực như: Luật Xây dựng, Luật Công chứng, Luật Đầu tư (sửa đổi).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, khoá XIII.

 Để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp, giúp Chính phủ bảo đảm tính thống nhất, chính xác và đồng bộ trong các dự án luật, pháp lệnh.

Năm 2014, Chính phủ và các bộ, ban, ngành tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hiện đại hoá nền hành chính.

Năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác cải cách thể chế, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Dựa theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành và địa phương đã đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính với nhiều nội dung như cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước. Thông qua đó, kết quả cải cách hành chính đạt được nhiều mặt tích cực ở một số bộ, ngành, địa phương

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng tồn tại khá nhiều mặt hạn chế.

Nhìn thẳng thực trạng chung

Qua đánh giá, Chính phủ nhìn nhận hoạt động rà soát các luật, pháp lệnh của các bộ, cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng; chưa công bố được danh mục văn bản của các bộ, cơ quan, địa phương phải dừng thi hành; tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp còn chậm. Thủ tục hành chính cũng còn rườm rà, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, đất đai.

Việc thực thi thủ tục hành chính tại một số cơ quan hành chính Nhà nước chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện, nhiều trường hợp bị dư luận xã hội, báo chí phản ánh và vẫn còn một số bộ, cơ quan, địa phương chưa kịp thời công bố, cập nhật thủ tục hành chính trong các văn bản pháp luật mới ban hành...

Tại hội nghị, lãnh đạo bộ và các cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã phát biểu xung quanh công tác cải cách hành chính trong từng lĩnh vực, từng địa phương. Trong đó, việc tổ chức thi tuyển cán bộ do Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức được nhìn nhận là hành động thiết thực, cụ thể để nâng cao chất lượng cán bộ và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, kỳ thi được tổ chức minh bạch, công khai với sự giám sát của nhiều cơ quan có thẩm quyền cũng như phương tiện thông tin đại chúng. Vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, địa phương này đã tổ chức thi tuyển công khai lãnh đạo 8 sở, ngành, kể cả chức danh giám đốc sở cũng phải qua thi tuyển.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín- Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Chính phủ cần ban hành chính sách thu hút cán bộ trẻ về làm việc ở phường, xã, đồng thời ông đề nghị Bộ Nội vụ cần có quy định rõ xung quanh việc thi tuyển, tuyển dụng công chức, nhất là những quy định liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ, chẳng hạn: khi nói rằng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam gồm 6 bậc và tương đương, vậy phải hiểu cái tương đương là cái gì?

Cải cách hành chính ở Tây Ninh

Tham gia phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, cải cách hành chính và cải cách chế độ công chức công vụ là một trong ba khâu đột phá của Tây Ninh. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh từ 5 ngày xuống còn 3 ngày.

Tây Ninh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại khi có các cuộc họp. Lãnh đạo tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc gặp giới doanh nghiệp để ghi nhận ý kiến đóng góp, đề xuất, từ đó điều chỉnh các quy định sao cho tiện lợi nhất đối với doanh nghiệp. Bà cho biết thêm, đề án xác định vị trí việc làm đang được Tây Ninh hoàn thiện.

Tuy nhiên, Tây Ninh hiện vẫn chưa thực hiện được việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo. Liên quan đến công tác tinh giản biên chế, Tây Ninh giữ nguyên kế hoạch cắt giảm 36 biên chế. Theo báo cáo về công tác cải cách hành chính của tỉnh Tây Ninh năm 2014, tính đến ngày 8.12, Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố thủ tục hành chính của 14 sở, ban, ngành tỉnh với tổng số 1.472  thủ tục, trong đó đề nghị công khai là 824 và không công khai là 648 thủ tục.

Các thủ tục hành chính sau khi công bố đều được nhập dữ liệu, công khai đầy đủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như cổng thông tin điện tử của tỉnh và có niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2014, một số sở, ban, ngành của tỉnh như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Ban Quản lý khu kinh tế... đã thực hiện việc đơn giản hoá, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, có đơn vị rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày.

Trong đánh giá chung, việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện cơ bản đã đi vào nền nếp, mô hình một cửa hiện đại được triển khai tại 9/9 huyện, thành phố. Cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp tục được kiện toàn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ được nâng lên. Mặc dù vậy, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách hành chính ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu mong muốn, việc tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai cải cách hành chính chưa kịp thời.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính được đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn còn một số phần mềm chưa được khai thác tốt, việc vận hành phần mềm một cửa điện tử, phần mềm thực hiện chữ ký số chưa thông suốt. Năm 2015, Tây Ninh tiếp tục thực hiện kế hoạch "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013 - 2015".

Cũng trong năm này, tỉnh sẽ hoàn thành việc xây dựng, thẩm định và trình phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, triển khai, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng thi tuyển công chức, thực hiện thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp sở và tương đương trở xuống.

luoc ghi 2.JPG

Thí sinh tham dự kỳ thi nâng ngạch công chức tỉnh Tây Ninh năm 2015. Ảnh: Hải Nam


Không thể đánh giá chung chung

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để thúc đẩy sự phát triển. Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, cải cách hành chính ở nước ta nói chung còn nhiều hạn chế, chỉ số xếp hạng về nền hành chính của Việt Nam trong khu vực còn thấp (đứng thứ 7 trên 10 quốc gia).

Trong thực tế, hiện nhiều quy định trong thông tư, nghị định, kể cả trong luật đã không còn cần thiết nhưng vẫn cứ tồn tại mà chưa được sửa đổi hoặc bãi bỏ, "điều đó cản trở sự phát triển của đất nước" - Thủ tướng nhận định. Ông cũng bày tỏ sự không hài lòng khi một bộ phận cán bộ công chức vẫn còn thái độ quan liêu, vòi vĩnh người dân và các doanh nghiệp.

Vẫn theo lời người đứng đầu Chính phủ, xung quanh việc xây dựng luật pháp và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, còn nhiều văn bản tính khả thi rất thấp, thậm chí… không làm được. Ông đề nghị các địa phương khi đánh giá về chỉ số cải cách hành chính cần phải có minh chứng cụ thể, không thể cứ nói chung chung kiểu cải cách hành chính được cải thiện thêm một bước mà không rõ một bước… là bao nhiêu!

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây