Nhiều bậc phụ huynh có xu hướng áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, thế nhưng bạn có biết trẻ em cũng có những tâm tư tình cảm riêng, những tâm sự non nớt của bé cần được bố mẹ lắng nghe thật sự để giúp bé phát triển tư duy đúng hướng. Hiện nay, các bậc làm cha làm mẹ thường bận rộn với công việc của mình mà đôi khi sao nhãng đi việc chăm sóc con, ít có thời gian lắng nghe con. Trong khi đó, không nghe con thì làm sao hiểu được con, làm sao biết con nghĩ gì, muốn gì để có định hướng đúng đắn cho con.. Vì vậy, chính những cuộc tâm sự với các con có thể giúp bố mẹ hiểu cảm nhận của con hơn, qua đó có thể giúp làm tình cảm giữa bố mẹ và con thêm gắn bó.
Hiện nay, trong cách giao tiếp của cha mẹ với con cái, cha mẹ không dùng đôi tai mà dùng miệng, coi đầu óc trẻ là "cái động không đáy", ngày nào cũng chỉ bảo, dạy dỗ, không biết trẻ có tiêu hóa, hấp thụ được những đạo lí đó hay không. Khi đối xử với trẻ, cha mẹ lại yêu cầu trẻ chỉ dùng tai, không được dùng miệng, chỉ cho phép chúng lắng nghe, không cho phép chúng bày tỏ ý kiến của mình.
Có bậc cha mẹ nói: "Tôi cũng nghe chúng nói, nhưng càng nghe càng thấy bực". Vô tình họ đã phạm một sai lầm khác là dùng thái độ không đúng đắn để lắng nghe con cái.
Quá trình lắng nghe không chỉ đơn giản là đón nhận từ ngữ. Lắng nghe thực sự là khi người nghe nắm bắt được cảm xúc mà người nói đang muốn bày tỏ và có thể phản hồi lại với những gì mình hiểu được. Phương pháp nắm bắt cảm xúc của người nói và hồi đáp một cách thẳng thắn được coi sự phản ảnh cảm xúc. Điều căn bản nhất của việc lắng nghe là làm sao để người nói có cảm giác được thấu hiểu.
Sự lắng nghe chỉ có ý nghĩa sau khi người nói nhận được sự đồng cảm. Trên thực tế, lắng nghe không chỉ là một hành động đơn giản, mà còn cần có kỹ năng. Đặc biệt khi cha mẹ lắng nghe con cái nói chuyện, chăm chú lắng nghe con nói, không chỉ dùng tai lắng nghe mà còn để trẻ thấy rằng "bố mẹ đang nghiêm túc nghe con nói". Đây là điều mà cha mẹ cần làm.
Khi nói chuyện với con cái, cha mẹ hãy gác việc đang làm dở, tập trung nói chuyện. Chỉ có như vậy, trẻ mới cảm nhận được sự quan tâm yêu thương của bố mẹ.
Đặc biệt khi nói chuyện với con cái, bố mẹ hãy ngồi xuống và nhìn vào mắt con, chăm chú lắng nghe. Vừa nghe vừa cảm nhận, không hướng theo quan điểm của mình. Lắng nghe với khuôn mặt biểu lộ tình cảm và đáp lại, ví dụ: ừ, à, ồ, được….biểu đạt sự chú ý của cha mẹ, để trẻ cảm nhận được sự thông cảm, chia sẻ.
Không ngắt lời con. Chúng ta thường thấy khi con đang nói, các bà mẹ thường ngắt lời con, sau đó tự nói.
Khi trẻ nói chuyện, không thể để trẻ khó xử. Một số cha mẹ vì không có thói quen lắng nghe con nói, nên khó tránh khỏi để con cảm thấy khó xử, lúng túng.
Không coi thường lời nói của con. Một số bâc cha mẹ vì nghĩ rằng con còn nhỏ nên có thái độ coi thường hoặc không để ý lời nói của con.
Cha mẹ cần học cách lặp lại lời nói của con. Có lúc lặp lại là một cách đơn giản lời nói của con cũng giúp con mở lòng ra tâm sự với cha mẹ. Lặp lại lời con nói sẽ giúp trẻ nghĩ rằng cha mẹ cũng đang nghiêm túc lắng nghe lời mình nói, kích thích mong muốn tâm sự, chia sẻ của trẻ, khiến trẻ muốn nói chuyện, giao tiếp với người khác.
Trong lúc lắng nghe con nói, cha mẹ cũng nên quan sát kỹ. Chỉ có lắng nghe con nói một cách nghiêm túc, cha mẹ mới biết con đang nghĩ gì, quan tâm đến điều gì, mới có sự giúp đỡ và hướng dẫn kịp thời, sau này việc nói chuyện sẽ càng dễ dàng hơn. Nếu trẻ nói chuyện với cha mẹ về việc vui, bạn nên bày tỏ sự vui mừng. Trẻ khoe nhận được sự khen ngợi, bạn cũng nên khen con và nói: "Ồ, con giỏi quá, lần sau con sẽ làm tốt hơn đấy".
Trong quá trình lắng nghe, cha mẹ cần chăm chú, nghiêm túc và quan sát kỹ, phát hiện ưu điểm của trẻ. Ví dụ, phát hiện trẻ có thể kể câu chuyện ngắn một cách đơn giản, cha mẹ cần biểu dương: "Con kể hay lắm!". Như vậy, không chỉ khiến trẻ vui vẻ chia sẻ, muốn tâm sự với cha mẹ mà còn nâng cao khả năng biểu đạt của trẻ.
Ngoài ra, lúc trẻ có tâm sự lo lắng, bất an, sư chăm chú lắng nghe của cha mẹ còn để trẻ cảm thấy cha mẹ cũng hiểu mình, cảm thấy được an ủi.
Tóm lại, lắng nghe là phương pháp có hiệu quả giúp cha mẹ và con cái giao lưu, nói chuyện với nhau, là cách tốt nhất giúp bồi dưỡng sự tự tin, độc lập, dũng cảm của trẻ. Vì thế, cha mẹ cần học thói quen lắng nghe, làm người bạn, người thầy tâm giao của trẻ.
MN