Mối quan hệ giữa bốn phẩm chất đạo đức phụ nữ

Thứ hai - 27/10/2014 00:00 83 0
Sau 4 năm triển khai thực hiện, Đề án 343 đã góp phần tuyên truyền ngày càng sâu rộng đến các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh các giá trị chuẩn mực về phẩm chất đạo đức của người phụ nữ. Ở bài viết trước đã phân tích làm rõ Đề án 343 là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang là những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, các phẩm chất đạo đức ấy được bổ sung những nội dung mới với những tiêu chí cụ thể, phù hợp với những yêu cầu của giai đoạn hiện nay. Và bốn phẩm chất đạo đức tốt đẹp ấy có mối quan hệ biện chứng và tác động qua lại lẫn nhau.

 

Tự tin ở đây là tin tưởng vào năng lực của bản thân mình. Biểu hiện cụ thể của tự tin là tự đánh giá được ưu, nhược điểm của bản thân; có chí tiến thủ, không ngại khó khăn thử thách, coi khó khăn là môi trường để rèn luyện, khắc phục tâm lý tự ti. Trong công việc, người tự tin là người năng động dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Trong cuộc sống, người tự tin luôn chủ động, bình tĩnh xử lý mọi tình huống. Người tự tin là người tự lực, tự chủ, thích độc lập; thái độ hợp tác cao, sẵn sàng tôn vinh thành công của người khác; thắng không kiêu, bại không nản “coi thất bại là mẹ thành công”; mạnh dạn trong giao tiếp, bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân.

Tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình. Đối với đất nước người có lòng tự trọng là người yêu nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, không làm ảnh hưởng xấu đến đất nước; tôn trọng tự giác chấp hành luật pháp, chính sách, những quy định của cơ qan đơn vị, địa phương; đấu tranh chống các hành động sai trái, tiêu cực vi phạm pháp luật. Đối với mọi người, người tự trọng là người luôn có tinh thần đoàn kết, tương trợ, tôn trọng không xúc phạm người khác; không lợi dụng ép buộc, lôi kéo, kích động người khác hoặc để người khác lợi dụng ép buộc, lôi kéo, kích động. Đối với gia đình, người tự trọng là người biết tôn trọng và thực hiện tốt quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, thương yêu, giúp đỡ tôn trọng, gắn bó với các thành viên trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Đối với bản thân người tự trọng là người tự giác thực hiện các nghĩa vụ của bản thân (người công dân, người cán bộ, người con, người mẹ..); không làm những việc không nên, không được làm, kể cả khi không ai biết. Biết xấu hổ, nhận khuyết điểm khi làm việc sai trái; nói đi đôi với làm, không phát ngôn bừa bãi, thiếu trách nhiệm; tự chủ, tự lực, tư giác cao, thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên.

Nhìn chung với mỗi người Việt Nam, thì lòng tự trọng cao nhất là tự tôn dân tộc. Một người tự trọng là người không bao giờ đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của dân tộc, đất nước và cũng không bao giờ vì quyền lợi cá nhân mà làm tổn hại đất nước, dân tộc. Quá tự trọng dễ trở thành người ích kỷ, người tự cao hay tự ái. Thiếu tự trọng dễ bị sai khiến, làm theo người khác, kể cả việc sai trái. Lòng tự trọng là yếu tố quan trọng nhất làm nên nhân cách, hình ảnh của mỗi người. Một dân tộc không có lòng tự trọng sẽ dễ bị phụ thuộc, để dẫn đến mất độc lập, tự do và dẫn đến mất nước.

Trung hậu là trung thực, trung thành, nhân hậu trong quan hệ với mọi người. Biểu hiện của phẩm chất trung hậu thể hiện trước hết đó là trung thành, chung thuỷ. Trung thành với Tổ quốc, nhân dân; chung thuỷ trong các mối quan hệ (tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp), không vì bất cứ lý do gì mà thay lòng đổi dạ. Người trung hậu còn là người nhân ái sống có nghĩa có tình. Sống có đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sống vì mọi người, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ người khác trên cơ sở đồng cảm chia sẻ, không vì quyền lợi cá nhân mà làm hại người khác.  Người trung hậu cũng là người trung thực, thẳng thắn, cương trực, thể hiện sự công tâm, khách quan trong đánh giá, đối xử với mọi người, không tham lam, vụ lợi.

Đảm đang là biết lo toan, sắp xếp để thực hiện được cả công việc gia đình và xã hội. Người phụ nữ đảm đang trước hết là người có khả năng quán xuyến công việc gia đình. Chia sẻ, phân công công việc phù hợp cho các thành viên, tham gia lao động để góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định, cùng chồng nuôi dạy con cái trưởng thành.; chủ động tạo dựng mối quan hệ yêu thương gắn bó, tôn trọng, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình; chi tiêu hợp lý, thực hành tiết kiệm. Người phụ nữ đảm đang còn là người biết cân đối thời gian giữa việc gia đình và việc xã hội. Cần cù, sáng tạo trong lao động, công tác, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Người phụ nữ đảm đang biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, học tập, chăm sóc sức khoẻ bản thân và gia đình.

 Bốn phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trong, trung hậu, đảm đang” có mối quan hệ hữu cơ, phẩm chất này là tiền đề, điều kiện, cơ sở, kết quả của phẩm chất kia và ngược lại.

Người phụ nữ tự tin chắc chắn cũng là người tự trọng. Tự tin về kiến thức của mình sẽ không có hành vi thiếu tự trọng như quay cóp (chạy điểm, đạo văn…) trong học tập, thi cử. Tự tin vào khả năng của mình chắc chắn không phụ thuộc vào người khác, sẽ không đánh mất lòng tự trọng.

Người phụ nữ tự trọng cũng là người có niềm tin vào chính mình, tự giác thực hiện các nghĩa vụ của bản thân; là người không ngại khó, có ý thức trách nhiệm cao. Người phụ nữ tự trọng không bao giờ hạ thấp mình, không cam chịu, an phận, sống phụ thuộc vào người khác bởi vì họ tin vào khả năng, ý chí của bản thân mình.

Người phụ nữ có lòng tự trọng không bao giờ làm những việc gian dối, tham lam, không cố tình làm hại nhân dân, đất nước, sống tình nghĩa, không đánh mất nhân phẩm, danh dự, làm ảnh hưởng đến hình ảnh phụ nữ Việt Nam.

Phải rất tự tin, tự trọng, người phụ nữ mới có thể cân đối hài hoà, hoàn thành tốt nhiệm vụ xã hội và gia đình. Từ tình cảm yêu thương, tôn trọng mọi người, hiếu thảo với cha mẹ…người phụ nữ sẽ tính toán, sắp xếp chu toàn, quán xuyến được cả việc nước, việc nhà. Ngược lại, những biểu hiện của phẩm chất đảm đang đều xuất phát từ phẩm chất trung hậu của người phụ nữ.

Tóm lại cả bốn phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đều là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó phẩm chất tự trọng có vị trí cốt lõi, tác động đến các phẩm chất khác. Chúng ta cần đầy mạnh tuyên truyền 4 phẩm chất này đề người phụ nữ Việt Nam vững tin vào ý chí, nghị lực của bản thân mình để chung tay cùng với nam giới xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

            Quang Dững

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây