Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng được thành lập vào tháng 2/1968 và đã từng làm cho bọn giặc ở quận lỵ Trảng Bàng khiếp sợ. Trong chiến đấu Đội đã tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực địch, làm rúng động tinh thần binh sĩ ngụy. Chiến công của toàn Đội đã đánh 30 trận, giết chết là làm bị thương 140 tên địch, trong đó có 3 tên Mỹ. Thành tích của Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng là kết quả của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, cụ thể là các đồng chí bí thư thị trấn như: đồng chí Sáu Kiên, đồng chí Ba Cờ và tinh thần chiến đấu dũng cảm của tập thể Đội, trong đó có một phần công sức không nhỏ của các chiến sĩ biệt động nữ.
Do tính chất hoạt động của Đội là đơn tuyến, bí mật, thường xuyên đối mặt với kẻ thù. Đối tượng mà Đội tiêu diệt là bọn ác ôn đầu sỏ mà địch dày công đào tạo, huấn luyện để phục vụ cho bộ máy chiến tranh của chúng. Bọn này có trình độ học thức cao, qua trường lớp đào tạo bài bản, nên rất mưu mô xảo quyệt. Còn Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng là những thanh niên học sinh còn ít tuổi, chỉ mới tập bắn súng, ném lựu đạn, gài mìn…chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng ra trận với quyết tâm cao với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc. Thực tế đã chứng minh như đồng chí Nguyễn Văn Đức (đánh tiệm bi da Cúc Loan), đến giờ trái nổ, biết mình sẽ hy sinh nhưng đồng chí vẫn giữ trái đến giây cuối cùng. Đồng chí Trần Thị Ảnh, Nguyễn Thành Lương, Trần Văn Phương, Phạm Văn Sơn, Trần Thị Nga (giao liên) tất cả hy sinh một cách anh dũng trên cương vị công tác của mình. Và những đồng chí bị địch bắt cầm tù, tra tấn dã man, chết đi sống lại nhiều lần, có đồng chí bị địch bắt đi bắt lại 4 lần, có trường hợp bị bắt ngay tại mặt trận vẫn giữ vững khí tiết, bảo toàn cơ sở cách mạng như: Đồng chí Võ Thị Phong, Võ Thị Lý, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thị Kiều (tức Nguyễn Thị Thu Trang, là đội viên đầu tiên của Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng, bị lộ chuyển về I4 sau này lập được nhiều chiến công và được tuyên dương Anh hùng), Phạm Thị Chiếm, Phạm Thị Kim Liên, Trương Hoài Sơn, Huỳnh Thị Kiều. Đồng chí Trần Thị Nga hy sinh trong tù và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đặc biệt có đồng chí Đặng Thị Khoạnh vào lúc 4 giờ sáng 30/9/1972 chuẩn bị đặt trái nổ đánh tiệm cà phê Năm Thu, bị địch bắt khám xét, kíp nổ còn để trong người, chứng cứ rõ ràng. Bị địch tra khảo dã man, đối chất với đồng chí Lan cùng bị bắt, nhưng đồng chí Khoạnh vẫn một mực khai báo không biết đồng chí Lan, buộc địch phải thả đồng chí Lan ra. Chúng đổ nước xà phòng, tra điện chết đi sống lại nhiều lần: “Có phải hai tên Xấu- Xa tổ chức mày đánh trái phải không?”. (Xấu- Xa là bí danh của hai đồng chí Phong, Lý), đồng chí Khoạnh một mực: “Không biết ai”, địch tra hỏi: “Thuốc nổ lấy từ đâu?”, đồng chí bình tĩnh trả lời: “Tôi về thăm nhà ở Lộc Hưng, bộ đội đưa trái và chỉ cách đánh”. Qua nhiều lần và nhiều ngày khảo tra không có kết quả, đồng chí Khoạnh bị liệt hai chân và bị gãy xương đòn vai. Chúng đưa đồng chí Khoạnh ra Quân đoàn III ở Biên Hoà, qua Hậu Nghĩa, Tam Hiệp và đày đi Côn Đảo cho đến ngày giải phóng.
Trong chiến công của Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng không thể không nhắc đến những đồng chí giao liên đầy mưu trí, gan dạ luôn tìm cách luồn lách qua mắt kẻ thù như: Đồng chí Trần Thị Nga, luôn bảo đảm chuyển vũ khí, tài liệu từ vùng căn cứ ra phục vụ kịp thời cho Đội trừng trị bọn ác ôn. Lúc bị địch bắt ngay tại căn cứ, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết không khai báo, bảo vệ được cơ sở cách mạng. Đồng chí đã hy sinh trong tù và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Đồng chí Trương Thị Kim Chi, sinh năm 1957 lúc bấy giờ chỉ mới 11-12 tuổi, nhưng luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Đồng chí đã vượt qua hệ thống đồn bót giặc, mạng lưới cảnh sát và những trận càn quét của địch, đảm bảo chuyển tài liệu, truyền đơn, vũ khí từ căn cứ vào nội thị bất cứ lúc nào khi lãnh đạo yêu cầu để phục vụ kịp thời cho các trận đánh như trận đánh tiệm cơm Chung Hiệp, trận phối hợp với đồng chí Út Nghét.
Người phụ trách Đội Biệt động là đồng chí Nguyễn Thu Hà, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Tịnh (Trảng Bàng) là quê hương giàu truyền thống cách mạng. Cuối năm 1961, đồng chí thoát ly đến công tác tại Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Tây Ninh, đến năm 1966 theo yêu cầu của tổ chức đồng chí được điều động về công tác tại I4 (Ban an ninh đặc khu Sài Gòn- Gia Định). Đến tháng 2/1968, khi Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng được thành lập, đồng chí được phân công phụ trách. Từ một cán bộ tuyên huấn chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng và tổ chức Đội vũ trang đánh địch; từ chiến khu về chưa có kinh nghiệm hoạt động trong lòng địch, nhưng đồng chí đã phấn đấu vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng tin tưởng giao cho. Đến ngày 31/7/1971, trên đường đi công tác đồng chí bị địch bắt, chúng đưa về Chi khu Trảng Bàng, qua tiểu khu Hậu Nghĩa và dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man, nhưng vẫn không khai thác được gì, chúng đành phải khép lại hồ sơ. Với tội danh tình nghi là “Việt cộng”, chỉ bị giam trong vòng 6 tháng phải thả ra, mặc dù không đủ chứng cứ buộc tội, nhưng chúng giam đồng chí 2 năm vì trong tù đồng chí đấu tranh liên tục, bị chúng câu lưu đến tháng 5/1973 được trao trả tại Thạch Hãn (Quảng Trị) và đưa về an dưỡng tại Sầm Sơn (Thanh Hoá). Thời gian trong tù đồng chí không đầu hàng khai báo, giữ vững khí tiết người cộng sản.
Đặc điểm nổi bật của các đội viên Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong chiến đấu thì gan dạ, táo bạo không sợ gian khổ, hy sinh; trong chốn lao tù thì kiên cường, bất khuất không khai báo, đầu hàng giặc.
Quang Dững