Toàn cảnh buổi làm việc. |
Hôm 26.8, Đoàn giám sát Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội khoá XIII đã có buổi làm việc với UBND tỉnh. Tham dự buổi làm việc với đoàn, về phía lãnh đạo UBND tỉnh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang.
Báo cáo với Đoàn giám sát Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội khoá XIII, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2014, thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) được gần 2.100 tỷ đồng – đạt 51,68% dự toán Trung ương giao. Ước thu cân đối NSNN cả năm 2014 chỉ gần 3.548 tỷ đồng – đạt 87,33% dự toán Trung ương giao và giảm 12% so thực hiện năm 2013.
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân chủ yếu của việc thu không đạt dự toán là do một số doanh nghiệp (DN) có số thu lớn như DN chế biến cao su, DN chế biến mía đường còn khó khăn; giá cả cao su, mía đường xuống thấp và tình hình tiêu thụ sản phẩm chậm, dẫn đến doanh thu giảm so với số giao dự toán đầu năm.
Đơn cử, giá cao su hiện tại giảm gần 50% so với giá xây dựng dự toán năm 2014. Bên cạnh đó, Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Vì lẽ đó, ước tính giảm số nộp ngân sách hơn 341,3 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang báo cáo với đoàn giám sát về tình hình thu – chi ngân sách. |
Căn cứ vào ước thu NSNN (thu nội địa) năm 2014 nêu trên, số thu ngân sách địa phương được hưởng gần 2.957 tỷ đồng – giảm 15,35% so với dự toán Trung ương giao, tương ứng số tiền giảm hơn 536 tỷ đồng. Nếu loại trừ các khoản thu không tính cân đối thì thu ngân sách địa phương năm 2014 hơn 2.800 tỷ đồng – giảm 17,91% dự toán Trung ương, tương ứng số tiền giảm hơn 612 tỷ đồng.
Cũng tại buổi làm việc, UBND tỉnh cho biết thêm, trong 7 tháng đầu năm, chi cân đối ngân sách địa phương hơn 2.549 tỷ đồng – đạt 60,12% dự toán Trung ương giao. Ước thực hiện cả năm gần 5.060 tỷ đồng – đạt 119,33 % dự toán Trung ương giao, tăng 5,15% so thực hiện năm 2013.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu tại buổi làm việc với đoàn. |
UBND tỉnh cũng báo cáo với đoàn dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2015 là 4.975,6 tỷ đồng – tăng 2,72% so ước thực hiện năm 2014; dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2015 theo định mức phân bổ ngân sách là 6.468,615 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản hơn 1.227 tỷ đồng.
Qua thảo luận, Bộ Tài chính và địa phương đã thống nhất, tổng thu NSNN trên địa bàn là 3.775,6 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương là 3.999,672 tỷ đồng.
Đối với dự toán ngân sách năm 2015, Tây Ninh cũng đã đề nghị Trung ương xem xét bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 1.821,465 tỷ đồng và xem xét, tiếp tục bố trí vốn vay ưu đãi cho địa phương thực hiện trong năm 2015 là 295 tỷ đồng.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội khoá XIII, ông Đinh Văn Nhã phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh. |
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cùng Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội khoá XIII, ông Đinh Văn Nhã chia sẻ những khó khăn của Tây Ninh, đặc biệt là vấn đề giá cao su, mía đường tụt giảm, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương và nguồn thu ngân sách.
Theo ông Nhã, căn cứ vào số liệu báo cáo của tỉnh, Tây Ninh là một trong những tỉnh, thành có mức thu thấp, do đó lãnh đạo tỉnh cần phải hết sức quan tâm, ngành Thuế địa phương cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, chống thất thu thuế.
Về nợ đọng thuế, dù chỉ nằm ở mức trung bình so với cả nước, nhưng ngành Thuế địa phương cần phải đặt mục tiêu phấn đấu, giảm hơn nữa trong năm 2014. Bên cạnh đó, tỉnh cần phải tính phương án bố trí vốn để giảm nợ vay, chú trọng việc giải ngân vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo BTNO