Năm 2017: Kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan

Chủ nhật - 24/12/2017 16:00 59 0
Theo UBND tỉnh, triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ năm 2017, UBND tỉnh đã hoàn thành việc giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản đến các đơn vị theo đúng tinh thần chỉ đạo, đảm bảo thời gian quy định.

Các Kế hoạch hành động thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021 đang triển khai thực hiện quyết liệt. Tổ chức nhiều đoàn giao lưu học tập kinh nghiệm, ký kết hợp tác phát triển trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch và đề ra nhiều quyết sách thu hút đầu tư. Có 16/23 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (giá so sánh 2010) ước thực hiện 45.600 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ (KH 2017: tăng 8% trở lên).

Giá trị sản xuất các ngành công nghiệp - dịch vụ tăng khá cao so với cùng kỳ.  Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) thực hiện 65.302 tỷ đồng, tăng 4,7% so với kế hoạch, tăng 16,1% so với cùng kỳ (KH 2017: tăng 14,5% trở lên). Đóng góp cho tăng trưởng chủ yếu ở các ngành công nghiệp thu hút nhiều dự án FDI có quy mô lớn và phương thức sản xuất, gia công xuất khẩu là chính như dệt may, sản phẩm từ cao su (vỏ ruột xe), sản xuất da và sản phẩm có liên quan. Thực hiện tốt công tác điều hòa, cung ứng điện đảm bảo thực hiện tốt cho sản xuất và sinh hoạt. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,57%. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ (giá so sánh 2010) ước thực hiện 24.252 tỷ đồng, tăng 5,4% kế hoạch, tăng 7,5% so với cùng kỳ (KH 2017: tăng 6% trở lên). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước đạt 66.425 tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ.  Doanh thu du lịch đạt 770 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng so với cùng kỳ; khách lưu trú tăng 11,2%, khách lữ hành tăng 3% so với cùng kỳ, khách tham quan tại các khu điểm du lịch 2,5 triệu lượt, đạt 100% so với kế hoạch, bằng so với  cùng kỳ.

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 966,46 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ, đặc biệt thu hút được một số dự án đầu tư lớn về thương mại, dịch vụ như các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, nhà phố.  Trong 10 tháng đầu năm 2017, có 03 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động gồm: dự án Trung tâm Thương mại Dịch vụ của Công ty TNHH Toyota Lý Thường Kiệt; dự án Trung tâm Thương mại Dịch vụ Tây Ninh của Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (giai đoạn 1); dự án Siêu thị Co.opmart Tân Châu của Liên hiệp HTX Sài Gòn.

Các dự án phát triển ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện tích cực, bước đầu đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, giảm chi phí sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.

Công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện tốt, Trung tâm hành chính công được thành lập, khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, công dân liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính.

Các hoạt động văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm được tiếp tục chú trọng. Năm 2017, tỷ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 96,9%; Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; Công nhận 18 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến nay lên 165 trường. Tỷ lệ trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đến cuối năm là 80% (76/95 xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 78,3% so với dân số toàn tỉnh (KH: 77%). Số lao động có việc làm tăng thêm là 17.110 lao động (KH: 17.000 lao động), trong đó có 310 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài.  An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm, nhất là việc chăm lo đời sống cho người có công và các đối tượng chính sách. Năm 2017, xây tặng 1.043 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với số tiền 41,6 tỷ đồng, xây mới 119 căn và sửa chữa 234 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, với kinh phí 16,5 tỷ đồng. Triển khai dự án xây dựng 183 căn nhà cho người dân di cư tự do từ Campuchia về nước. Tổ chức thành công các sự kiện quan trọng trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch. Tổ chức thành công Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế Cúp VTV9-Bình Điền lần thứ XI năm 2017, vòng chung kết giải vô địch Bóng đá U15 Quốc gia Cúp Thái Sơn Bắc; Tổ chức các hoạt động của tỉnh Tây Ninh hưởng ứng Kỷ niệm 63 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2017)…

Thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần ổn định an ninh biên giới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định. (Từ ngày 16/11/2016 đến 15/10/2017), tình hình tội phạm xảy ra 838 vụ (giảm 23,47% so cùng kỳ). Trong đó, tội phạm trật tự xã hội xảy ra 579 vụ (giảm 246 vụ so với cùng kỳ). Công tác đấu tranh chống tội phạm, điều tra khám phá được 738 vụ tội phạm, bắt 1.071 bị can (trong đó: về trật tự xã hội: 479 vụ; về ma túy: 163 vụ; về kinh tế: 20 vụ; về giao thông: 65 vụ).

 Công tác đối ngoại được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, đã tiếp đón 33 đoàn (Campuchia 27 đoàn, Nhật 03 đoàn, Ấn Độ 01 đoàn, Hoa Kỳ 02 đoàn) đến chào xã giao, thăm và làm việc, tìm hiểu thông tin kinh tế - xã hội để hợp tác đầu tư và dự lễ, tết do tỉnh tổ chức.

Công tác dân vận chính quyền thực hiện có hiệu quả, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền thông qua nhiều kênh báo, đài, trang thông tin điện tử, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân, tạo khối đại đoàn kết trong đồng bào các tôn giáo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Giá trị sản xuất nông nghiệp chưa đạt kế hoạch (3,1%). Các mô hình chuyển đổi tiêu thụ còn bấp bênh; liên kết chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ và thị trường phát triển chậm. Dịch bệnh khảm trên lá cây mì ảnh hưởng đến diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp. Chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa đạt theo kế hoạch. Tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn xảy ra (121 vụ). Tổng thu NSNN đạt dự toán (ước thực hiện 6.700 tỷ đồng) nhưng nguồn vượt thu chủ yếu là thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, sử dụng đất, những khoản thu cân đối còn nhiều khoản thu chưa đạt dự toán.

 Công tác chuẩn bị đầu tư XDCB, giải ngân vốn còn chậm; quyết toán công trình hoàn thành chưa kịp thời; một số công trình chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ. Việc huy động các nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là vốn xây dựng nông thôn mới. Thu hút đầu tư trong nước đạt 3.363 tỷ đồng giảm so với cùng kỳ (giảm 39,2%). Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, một số bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải công suất sử dụng giường bệnh (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế Gò Dầu, Trảng Bàng). Việc xử lý chất thải y tế ở tuyến xã còn nhiều hạn chế, chưa được thu gom, xử lý triệt để. Vệ sinh môi trường nông thôn, đô thị còn nhiều bất cập, bức xúc.  Cải cách hành chính có mặt còn hạn chế, chưa đồng bộ; còn một bộ phận cán bộ công chức chưa tâm huyết trách nhiệm trong công việc, thiếu tính chủ động. Tình hình tội phạm tuy giảm nhưng còn ở mức cao. Tai nạn giao thông tăng về số người chết, đặc biệt là để xảy ra 01 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 151 vụ, làm chết 58 người, bị thương 143 người (so với cùng kỳ: giảm 05 vụ, tăng 05 người chết, giảm 11 người bị thương). Tình hình cháy, nổ còn xảy ra, gây thiệt hại khá lớn về tài sản (110,8 tỷ đồng). Còn một số vụ việc khiếu nại tranh chấp phức tạp, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm. Công tác quản lý người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng còn nhiều khó khăn.

Theo dự báo, năm 2018, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định, đáng chú ý là việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp bắt đầu có chuyển biến tích cực, ngành du lịch sẽ có bước đột phá trong tăng trưởng. Tuy nhiên chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp; nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền quốc gia ... sẽ là những khó khăn, thách thức mà Tây Ninh đang phải đối mặt. 

Nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xác định nông nghiệp và du lịch là hướng phát triển trọng tâm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch. Thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2017 - 2021. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Chủ động phòng, chống thiên tai; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Củng cố quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, năm 2018, Tây Ninh phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP – giá so sánh 2010) tăng 8,0% trở lên. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 2.600 USD. Phấn đấu tăng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản: 4%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng từ 6,5% trở lên. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.907 tỷ đồng. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5%. Số lao động có việc làm tăng thêm là 17.000 lao động. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 66%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,3%....

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện chính sách tài chính chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối đủ nguồn thực hiện các chế độ chính sách đã được ban hành và đúng quy định. Thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh việc thực hiện đề án cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tăng chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động đối với các ngành, lĩnh vực.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của 04 nhóm công tác thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021 về nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp và hạ tầng giao thông. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư kinh doanh, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, nhất là chú trọng vệ sinh, môi trường nông thôn, đô thị.

Nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, thực hiện có hiệu quả đề án nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của Bệnh viện đa khoa Tây Ninh; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chú trọng chất lượng công tác đào tạo nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng của tỉnh. Thực hiện các chính sách giải quyết việc làm gắn với thị trường lao động. Trợ giúp kịp thời, đúng chính sách cho người nghèo và đối tượng yếu thế; thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn bác sỹ thuộc các chuyên ngành hiếm và các chuyên khoa đặc thù khác. Triển khai thực hiện Dự án bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và Dự án Hệ thống y học từ xa Telemedicine. Tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thực hiện đúng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

 Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục, ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống; phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bảo đảm việc thực hiện các quyền của trẻ em; tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên. Phát triển phong trào thể dục, thể thao, nâng cao thể chất của người Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý người nghiện và cai nghiện ma túy.

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham mưu giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh không để tồn đọng, kéo dài phát sinh thành các “điểm nóng” mới, trong đó cần giải quyết sớm các vụ việc đông người, phức tạp, bức xúc. Tiếp tục giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người dân di cư tự do từ Campuchia về cư trú trên địa bàn tỉnh.

Tập trung giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện các giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tiếp tục triển khai đồng bộ, đúng lộ trình Đề án xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.

Tăng cường củng cố xây dựng chính quyền và đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với kỷ luật, kỷ cương; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây