Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Điều 7 Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội quy định: "Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ". Do đó, trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2018.
Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các ban của HĐND; Chánh Văn phòng HĐND đối với HĐND cấp tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND.
Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ nêu trên thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với chức vụ cao nhất. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 09 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của HĐND.
Để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt mục đích, yêu cầu đề ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực HĐND cần quan tâm lãnh đạo, quán triệt sâu sắc, đầy đủ để từng Đại biểu HĐND nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung, trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và bảo đảm để đại biểu nhận thức sâu sắc trách nhiệm thay mặt nhân dân địa phương thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với các vị được HĐND bầu một cách thật dân chủ, thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác.
Hướng dẫn, yêu cầu các vị được lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị báo cáo để gửi đến từng Đại biểu HĐND; thực hiện việc công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, đồng thời trả lời đầy đủ, nghiêm túc các vấn đề mà Đại biểu HĐND nêu ra.
Việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tổ chức chặt chẽ, theo đúng nội dung, trình tự, thủ tục; bảo đảm để Đại biểu HĐND có đủ thời gian cân nhắc, suy nghĩ thận trọng trước khi ghi phiếu đánh giá tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; kiểm soát tốt tình hình tiếp nhận thông tin, không sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng./.
Thái Thành