Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc (Tổng cục Môi trường), thành phần bụi ở Việt Nam, thì tỷ lệ bụi mịn chiếm tương đối cao, dao động từ 61 đến 87% tổng lượng bụi.
Mức độ ô nhiễm bụi tổng số có xu hướng tăng đáng kể ở các tỉnh phía bắc và vẫn duy trì ở ngưỡng cao tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Trong khi đó, kết quả giám sát giám sát chất lượng môi trường không khí những năm gần đây, cũng cho thấy: Nồng độ chì trong môi trường có biểu hiện xuất hiện trở lại ở một số đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và chủ yếu tập trung ở các nút giao thông.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới, nhất là mức độ ô nhiễm vào các tháng mùa đông do chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc (chủ yếu là miền Bắc, miền Trung) chịu tác động đáng kể từ các nguồn phát thải đến từ Trung Quốc và Đài Loan.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng, Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện nay ở Việt Nam, vấn đề ô nhiễm bụi tại các thành phố lớn vẫn duy trì ở mức độ cao, nhất là khu vực các đô thị nơi tập trung các hoạt động kinh tế - xã hội, dân số tập trung đông…
Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm khói mù do người dân đốt rơm, rạ ở các khu vực nông thôn đang là vấn đề đáng báo động hiện nay.
Nhằm hạn chế những tác động môi trường do ô nhiễm không khí, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng: Cần tăng cường kiểm tra khí thải phương tiện cơ giới đường bộ; kiểm soát bụi trong xây dựng và giao thông vận tải; xử lý nghiêm và triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, cũng như triển khai nhiều chương trình trọng điểm ưu tiên về cải thiện chất lượng không khí. Đồng thời, tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn quốc gia về môi trường không khí; xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí, cũng như tăng cường đầu tư tài chính, đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải và kiểm soát môi trường không khí một cách có hiệu quả hơn...
Thành Hưng (Theo nhandan.org.vn)