Nâng cao hiệu quả xử lý nước thải chợ góp phần bảo vệ môi trường

Thứ sáu - 29/05/2015 10:00 48 0
Kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, vì thế nhu cầu tiêu dùng của con người ngày một tăng lên, Khối lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân tại các chợ không ngừng gia tăng. Đi đôi với điều đó là các vấn đề về môi trường phát sinh ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh.

Nuocthaicho.jpg

Nước thải từ việc giết mổ gia cầm gây ô nhiễm môi trường cho khu vực chợ (ảnh minh họa)

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành liên quan, chính quyền địa phương và Ban Quản lý các chợ nên lượng rác thải khu vực xung quanh các chợ được thu gom và xử lý kịp thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nước thải chợ đang là một vấn đề đáng lo ngại. Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải tại nhiều khu chợ hiện hữu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chưa có hoặc có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, nước thải không được xử lý đúng quy trình, nhiều chợ đã được đầu tư xây dựng từ lâu hoặc được nâng cấp, cải tạo nhiều lần nên chưa đạt chuẩn. Hệ thống thoát nước tại các chợ chưa đồng bộ, chỉ đáp ứng được thoát nước thải thô mà chưa được đầu tư hệ thống lắng, lọc, xử lý nước thải sơ bộ gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan . 

Tại các chợ vào buổi sáng và chiều, nước thải các khu vực bán cá tràn ra cả lối đi, rất nhếch nhác và dơ bẩn. Nước thải trong các hoạt động giết mổ gà, vịt thải trực tiếp xuống rạch, sông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hường sinh hoạt của các hộ dân xung quanh chợ. Nước thải chợ đa phần chưa được xử lý, xử lý chưa có hiệu quả chủ yếu theo đường ống, đường mương đổ ra ngoài hoặc có khi xả trực tiếp tại chợ.

Tuy không chứa nhiều hóa chất độc hại như nước thải từ sản xuất, song nước thải không được xử lý đúng quy định thì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người kinh doanh và khách mua sắm. Đặc trưng của nước thải chợ bao gồm các chất hữu cơ, vô cơ và vi sinh vật. Lượng chất hữu cơ chiếm 50 – 60% tổng các chất bao gồm các chất hữu cơ thực vật như: cặn bã thực vật, rau, hoa, quả, giấy,… và các chất hữu cơ động vật như chất thải bài tiết của người và động vật, xác động vật. Nơi chứa đựng, chịu tác động trực tiếp của việc xả thải là môi trường đất xung quanh, môi trường nước (nguồn nước ngầm, hoặc hồ) ở gần đó.  Con người trực tiếp sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn hay qua các nhân tố lây bệnh sẽ truyền dẫn các bệnh dịch cho người như bệnh lỵ, thương hàn, bại liệt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tiêu chảy cấp tính...

   Để đảm bảo môi trường sạch đẹp tại các chợ, cần tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Sau mỗi phiên chợ, các hộ kinh doanh cần quét dọn sạch sẽ khu vực mình buôn bán nhất là khu vực bán cá, giết mổ gia cầm như gà, vịt...  Ban Quản lý chợ cũng cần quan tâm hơn nữa , có những biện pháp thiết thực nâng cao hiệu quả công tác vệ sinh và xử lý nước thải tại các chợ. Đặc biệt những chủ hộ kinh doanh cố tình vi phạm cần phải được nhắc nhở và áp dụng biện pháp cưỡng chế như: phạt tiền nặng khi vi phạm, tăng phí vệ sinh… Ngoài ra, chính quyền và ngành chức năng cũng cần quan tâm hơn đến công tác quy hoạch lại hệ thống chợ trong nội thành, thị, trung tâm các huyện cần chấm dứt những tình trạng chợ tự phát ở các tuyến đường ngã ba, ngã tư chỗ đông người và nhất là về đêm trên các vỉa hè đường phố những quán hàng bán đêm đều xả một lượng lớn chất thải, nước thải ra lòng lề đường gây mất vệ sinh đô thị, mỹ quan thành phố và từng bước nâng cấp các chợ trung tâm đầu mối chợ khang trang để đáp ứng được kịp thời tiến trình phát triển của xã hội và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường tại các chợ. 

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây