Tây Ninh: Thay đổi quy hoạch, giảm mía, tăng mì

Thứ sáu - 29/05/2015 09:00 44 0
Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng mì của nông dân Tây Ninh, nếu thường xuyên sử dụng phân hữu cơ thì đất sẽ không bị thoái hoá, năng suất cây trồng đạt cao.

quy hoach.jpg

Thu hoạch mì ở Tân Phong, Tân Biên. Ảnh tư liệu

Theo ông Nguyễn Duy Ân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng chất lượng và giá trị sản phẩm. Theo đó, tỉnh sẽ điều chỉnh giảm diện tích trồng mía đến năm 2020 từ 30.000 ha xuống còn khoảng 15.000 ha; cây mì từ 30.000 ha tăng lên khoảng 60.000 ha.

Việc thay đổi quy hoạch phát triển các loại cây trồng chính của tỉnh nhằm phù hợp với tình hình sản xuất thực tế của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân tổ chức lại sản xuất với quy mô lớn, đầu tư cơ giới hoá vào đồng ruộng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay tình hình sản xuất mía tại địa phương còn nhiều manh mún, chậm thay đổi cơ cấu giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật; chi phí đầu vào cao, năng suất, chất lượng sản phẩm đạt thấp. Năng suất cây mía của tỉnh hiện chỉ đạt bình quân 60 tấn/ha, với chữ đường bình quân 8,5 CCS.

Trước thực tế này, tỉnh có định hướng giảm 1/2 diện tích, tập trung xây dựng cánh đồng mía lớn theo hình thức liên kết, hợp tác xã... Cách làm này nhằm đưa cơ giới hoá vào ruộng mía; từng bước thay thế giống cũ bằng giống mới năng suất, chất lượng  cao hơn, xây dựng hệ thống tưới cho cây mía.

Mục tiêu của tỉnh là đưa năng suất mía đạt 100 tấn/ha trở lên, chữ đường từ 10 CCS, nhằm bảo đảm người trồng mía có lãi tương đương hoặc cao hơn các loại cây trồng khác.

Đối với cây mì, theo quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh đạt 30.000 ha, nhưng trên thực tế, hiện diện tích đã đạt trên 50.000 ha. Diện tích tăng nhanh do vài năm trở lại đây, giá củ mì luôn ở mức cao từ 2.000 - 2.350 đồng/kg.

Theo nhận định mới, cây khoai mì không còn là cây làm thoái hoá đất, mà là cây "xoá đói giảm nghèo" và giúp nông dân làm giàu. Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng mì của nông dân Tây Ninh, nếu thường xuyên sử dụng phân hữu cơ thì đất sẽ không bị thoái hoá, năng suất cây trồng đạt cao.

Tại Tây Ninh, các cơ sở chế biến bột mì đã phát triển từ lâu đời và được xem là ngành nghề truyền thống. Toàn tỉnh có khoảng 67 cơ sở chế biến tinh bột mì, trong đó có 39 cơ sở chế biến công nghiệp, 28 cơ sở chế biến thủ công, công suất đạt gần 5.000 tấn bột/ngày, đáp ứng chế biến khoảng trên 2 triệu tấn củ/năm (tương đương với 60.000 ha mì).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, 51/67 cơ sở chế biến tinh bột mì đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt cột A (QCVN 40:2011/BTNMT). Các cơ sở còn lại đang tạm ngừng hoạt động để xây dựng hệ thống xử lý hoàn chỉnh.

Việc tăng diện tích cây mì trên địa bàn thời gian tới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, đồng thời với sự quản lý chặt chẽ về môi trường hiện nay thì việc phát triển mạnh ngành nghề trồng, chế biến tinh bột khoai mì trên địa bàn tỉnh cũng không đáng lo ngạy về môi trường.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây