Ông Thất xem lại danh sách các đối tượng trước khi đi vận động.
Tháng 6.1992, ông Thất bắt đầu làm quen với công tác DS - KHHGÐ, rồi trở thành cộng tác viên. Do người mới, việc mới nên ông Thất đã gặp không ít khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu, ông Thất kể: “Lúc đầu, tôi tham gia công tác Dân số chủ yếu là thấy vui, nào ngờ lại có duyên gắn bó lâu dài cho đến tận bây giờ.
Thời điểm đó, việc vận động người dân thực hiện các biện pháp tránh thai, nhất là vận động người dân tộc Khmer thực hiện chính sách Dân số-KHHGÐ rất là khó.
Nhưng vì trách nhiệm với công việc được giao, tôi cố gắng tìm cách vượt qua”. Ðể làm tốt công việc này, ông Thất đã bỏ công tìm hiểu từ sách, báo, kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ những người đã từng làm cộng tác viên Dân số.
Bên cạnh đó, ông Thất còn chịu khó bám sát địa bàn và xuống từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động. Riêng những gia đình khó khăn, ông còn tìm cách giúp đỡ bằng hình thức tặng gạo, quà… Nhờ vậy, công tác DS - KHHGÐ trong ấp Thành Nam bắt đầu có sự chuyển biến.
Sau khi thấy những người được vận động đi thực hiện KHHGÐ trở về nhà khoẻ mạnh, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, ông Thất cảm thấy có động lực cho việc làm của mình. Từ đó, ông dành nhiều thời gian, tâm trí cho công tác DS - KHHGÐ ở địa phương.
Ông Thất nói: “Những đối tượng nào vận động một lần không được thì tôi đến nhà nhiều lần. Chỉ cần mình kiên nhẫn, bền bỉ thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua”. Từ cách nghĩ, cách làm này mà nhiều đối tượng người dân tộc thiểu số trong ấp rất khó vận động thực hiện các biện pháp KHHGÐ đã được ông thuyết phục.
Những năm gần đây, người dân ở Thành Nam đã có ý thức hơn trong thực hiện các biện pháp KHHGÐ. Số người tham gia đi thực hiện đình sản không còn nhiều. Ông Thất cảm thấy công việc ít áp lực hơn, nhưng ông tiếp tục vận động người dân địa phương thực hiện tốt chính sách DS - KHHGÐ.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, ông Thất đã vận động được 50 ca đặt vòng, cấp 50 bao cao su, vận động 5 ca uống thuốc viên tránh thai, đưa 15 người tham gia sự kiện Truyền thông dân số do xã tổ chức.
Ngoài ra, ông Thất còn thường xuyên đi tuyên truyền, vận động về DS - KHHGÐ cho người dân trong ấp. Mặc dù công việc nhiều, thường xuyên di chuyển, mỗi tháng chỉ được khoản tiền bồi dưỡng 120.000 đồng, nhưng ông Thất vẫn vui vẻ làm việc.
Nói về công việc của một cộng tác viên Dân số, ông Thất cho rằng: “Nhờ đi làm công việc này mà tôi gặp gỡ được nhiều người dân trong xóm ấp. Tôi cảm thấy vui vẻ, thoải mái và ít bệnh tật hơn. Tôi sẽ cố gắng tham gia công tác Dân số cho đến khi nào không còn sức khoẻ để đi vận động nữa thì thôi”.
Với những việc làm của mình, ông Thất đã góp phần không nhỏ vào việc đưa công tác DS - KHHGÐ xã Thành Long nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị mạnh. Riêng năm 2016 vừa qua, lần đầu tiên xã Thành Long đã vươn lên đạt hạng Nhì trong công tác DS - KHHGÐ ở huyện Châu Thành. Mới đây, ông Thất còn được đề nghị tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp DS - KHHGÐ.
Bà Võ Thị Kim Thoa, viên chức Dân số, Trạm y tế xã Thành Long cho rằng: “Ông Thất là một cộng tác viên năng nổ, nhiệt tình và rất yêu nghề. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Thất vẫn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao mà không nề hà, than vãn điều gì”.
Theo Báo Tây Ninh Online