Người Phụ nữ Việt Nam trong gia đình

Thứ tư - 31/07/2013 00:00 171 0
Người Mẹ, đối với người Việt Nam chúng ta, đó là hình ảnh vừa gần gũi, thân thiết, ngọt ngào, lại vừa thiêng liêng. Gần gũi, vì ai trong chúng ta lại không có bên cạnh một người mẹ lúc sinh ra; không được nghe tiếng ru hời của mẹ bên giấc ngủ êm đềm trong nôi thời thơ ấu ? Ai trong chúng ta lại không được thấy đôi bàn tay mẹ mớm đút cơm cho ta ăn, vỗ về ta những lúc ta ốm đau, buồn bã? Thiêng liêng, vì người Mẹ, không chỉ là hình ảnh rõ nét trong gia đình, mà còn là một biểu tượng cao quý ngoài xã hội. Ai trong chúng ta lại không khâm phục hình ảnh của những người Mẹ chiến sĩ trong đấu tranh giành độc lập và giữ nước? Hơn thế nữa, hình ảnh người Mẹ đã trở thành hình ảnh của cả một dân tộc: Mẹ Việt Nam .

            Ngày xưa, nước ta trong thời phong kiến, tư tưởng Khổng Mạnh đã chi phối cả nền tảng đạo lý của xã hội. Bên cạnh người đàn ông với “tam cương ngũ thường” thì người phụ nữ phải nằm trong khuôn khổ của “tam tòng tứ đức”: công, dung, ngôn, hạnh để tại gia phải tòng phụ, xuất giá tòng phu và phu tử thì tòng tử. Trong khuôn khổ đó, lúc còn sống với cha mẹ, người phụ nữ phải nghe theo “lệnh” của song thân (mà chủ yếu là cha) trong mọi việc, kể cả chuyện “đặt đâu ngồi đấy” trong dựng vợ gả chồng; lúc đã có gia thất thì phải phụng sự, phải lo bề “nâng khăn sửa túi” cho chồng, và khi chồng qua đời thì phải “thủ tiết” nuôi con, bất cứ đang trong độ tuổi nào, cho đến lúc chết. Như vậy,sống trong thời đại ấy,người phụ nữ Việt Nam quả là thiệt thòi, đã phải chấp nhận, lấy sự hy sinh làm nền tảng cho mọi suy nghĩ cũng như hành động của mình. Họ lúc nào cũng cam nhận phần thiệt và dành phần hơn cho người khác. Nhưng phải nhìn nhận rằng, trong một thời gian dài, xã hội ấy đã từng ổn định, đã từng có nề nếp từ sự tập hợp của những thực thể có “gia phong”. Ngày nay, khi mà các chế độ phong kiến đã lần lượt mất dần, tư tưởng Khổng Mạnh phai nhạt dần, trong khi tư tưởng dân chủ đã lên ngôi thì thực trạng người phụ nữ được giải phóng là điều tất yếu. Từ vai trò phụ thuộc, thụ động, người phụ nữ đã chủ động hơn trong cuộc sống, qua các giai đoạn làm con, làm vợ cho đến lúc làm mẹ trong gia đình. Nói cách khác là phụ nữ đang được “bình đẳng” với nam giới về mọi mặt, từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Trong gia đình, những công việc mà từ xưa chỉ dành cho phụ nữ, thì ngày nay đang được nam giới chia sẻ. Những công việc thuộc đủ mọi ngành nghề ngoài xã hội ngày càng được đông đảo phụ nữ tham gia bên cạnh giới mày râu; vừa cải thiện kinh tế cho gia đình, vừa đóng góp cho phát triển chung của đất nước. Người phụ nữ Việt Nam ngày nay, có thể nói, vừa “giỏi việc nước lại vừa đảm việc nhà” . Tuy nhiên, như ta đã thấy, trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà phần lớn phụ nữ phải tham gia vào công cuộc mưu sinh bên ngoài, trong một chừng mực nào đó, đã để lại một khoảng trống khó lấp đầy cho gia đình ở phía sau. Phải nhìn nhận rằng xã hội mà ta đang sống, đang tiềm ẩn những nguy cơ, nếu không nói là có chiều hướng bất ổn : gia đình nhiều đổ vỡ, quan hệ vợ-chồng, cha mẹ-con cái, quan hệ anh-chị-em ngày càng có vấn đề… Nguyên nhân do đâu? Phải chăng là do “kinh tế thị trường”, do văn hóa phương Tây hay do mặt trái của “hội nhập” ? Người ta thường cho rằng “gia đình là tế bào của xã hội”, có nghĩa một xã hội chỉ lành mạnh khi tập hợp được những tế bào gia đình lành mạnh. Nói khác là gia đình phải được giáo dục có căn cơ, có nề nếp, có văn hóa. Nhưng giáo dục ở gia đình có ai có lợi thế, có ai phù hợp và chủ động bằng người mẹ ? (tất nhiên người cha cũng có phần, nhưng thường thì cánh mày râu ít gần gũi với con cái hơn và họ chỉ dạy con thông qua “tấm gương” kiểu mẫu của mình). Như vậy, phải chăng đấy chính là cái khoảng trống tai hại như vừa đề cập, đã đẩy gia đình đến chỗ mất phương hướng ?

Đó là chưa nói đến thực trạng một số không ít phụ nữ đã định nghĩa sự “bình đẳng” một cách quá máy móc, nóng vội và có phần “cực đoan”. Cứ nghĩ rằng mọi việc nam giới làm tốt thì phụ nữ cũng làm tốt và ngược lại, để rồi đẩy đưa trách nhiệm cho nhau trong gia đình. Họ đã quên rằng khi tạo hóa sinh ra hai giống “đực” và “cái” là muốn bổ sung cho nhau, cũng như mặt trời và mặt trăng, là “dương” và “âm”. Nói khác là tạo hóa đã “phân công” rạch ròi cho hai giống. Có thể, giống này làm được công việc của giống kia, nhưng chỉ là “sở đoản”. Ví như ánh sáng của mặt trăng, dù có rực rỡ đi chăng nữa, cũng không thể thay thế được nguồn sáng của mặt trời để quang hợp cho cây cỏ, vạn vật. Gia đình, nhất thiết phải là một “tổ ấm” đúng nghĩa. Đó phải là một “hậu phương” vững chắc được “điều hành” bằng bàn tay của chính người phụ nữ, trước khi nói đến những “chiến tích” ở “tiền tuyến”.

Do vậy, dù có nói gì chăng nữa, người phụ nữ trong gia đình Việt Nam ngày nay vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng: một “nội tướng”. Những công việc, những chức sắc, địa vị, những thành tựu của phụ nữ ngoài xã hội, xét cho cùng, cũng chỉ là thứ yếu so với thiên chức cao cả của họ trong gia đình mà thôi. Chừng nào những điều ấy được ý thức rộng rãi, được thực hiện, chừng ấy gia đình mới trở thành tế bào lành mạnh và xã hội mới có cơ hội đi vào nề nếp, đi vào ổn định như mong muốn. Bằng ngược lại, xã hội bất ổn là điều không thể tránh khỏi…

                                                                                            Kim Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây