Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội: Sẽ giải quyết việc làm cho 20.530 lao động

Chủ nhật - 25/11/2012 00:00 50 0
Một trong những lĩnh vực khác được quan tâm tại buổi làm việc là công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

 Sáng 22.11, Ban Văn hoá – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tập trung vào một số vấn đề, lĩnh vực: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, chính sách đối với hộ nghèo…

Công nhân làm việc ở một công ty tư nhân. Ảnh: Việt Đông

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2012 là giải quyết việc làm cho người lao động. Tính đến tháng 11.2012, đã giải quyết việc làm được cho 19.330 lao động, đạt 96,65% so với kế hoạch của cả năm. Nếu không có gì thay đổi đột biến, đến cuối năm nay, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm sẽ là 20.530 người, đạt hơn 102% so với kế hoạch.

Tuy vậy, do khó khăn chung của nền kinh tế, từ đầu năm đến nay có gần 9.000 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Cơ quan chức năng đã giải quyết cho 8.160 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cũng liên quan đến lao động việc làm, số vụ công nhân đình công năm nay giảm nhiều so với năm ngoái (17 vụ so với 41 vụ). Theo giải thích, một trong những nguyên nhân khiến số vụ đình công năm 2012 giảm mạnh so với năm 2011 là vì tình hình kinh tế khó khăn, người lao động tìm được việc làm đã là may mắn. Nguyên nhân xảy các vụ đình công - theo Sở LĐ-TB&XH thì vẫn là những nguyên nhân cũ: Tranh chấp tiền lương, tiền ăn, tiền xăng và thời gian làm việc. Ý thức, nhận thức của công nhân cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ đình công. Theo đó, có những vụ đình công không phải để đòi quyền lợi chính đáng mà chỉ là tranh thủ cơ hội đòi lợi ích! Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH dẫn chứng: Tại một doanh nghiệp nọ, sau một vụ ngộ độc thức ăn, công nhân liền tổ chức đình công đòi chủ doanh nghiệp tăng lương. Trong khi thực ra hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Mặt khác, theo quy định về mức lương tối thiểu dành cho từng vùng được áp dụng đối với doanh nghiệp thì mức lương tối thiểu tại doanh nghiệp nọ chỉ là 1,4 triệu đồng/tháng. Mặc dù doanh nghiệp này đã chi trả 1,9 triệu đồng/tháng nhưng công nhân vẫn tổ chức đình công đòi tăng lương. Vì thế, ngành chức năng kiến nghị: Để không xảy ra những vụ đình công không có lý do chính đáng, cần phải có biện pháp ngăn chặn các hành động quá khích, có tính xúi giục, lôi kéo, kích động công nhân tham gia đình công.

Trong lĩnh vực đào tạo nghề, Trường Trung cấp Nghề Tây Ninh đào tạo 1.373 học viên, Trường Trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh đang đào tạo 597 học viên. Đa số học viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm. Đối  với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, cho đến nay đã có hơn 6.300 lao động nông thôn được đào tạo nghề ngắn hạn. Con số này đã vượt chỉ tiêu đề ra hồi đầu năm.

Lao động trong xưởng nghề ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu.

 

Xung quanh vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ông Mai Văn Hải- một thành viên đoàn khảo sát đề nghị các cơ quan có liên quan phải quan tâm đến tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Bởi vì nếu doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, trong trường hợp doanh nghiệp này bị phá sản, công nhân sẽ không được hưởng bảo hiểm xã hội. “Mức phạt cao nhất đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội chỉ có hai mươi triệu đồng, trong khi có doanh nghiệp thu về hàng tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội của công nhân” - ông Hải nói.

Một trong những lĩnh vực khác được quan tâm tại buổi làm việc là công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Số liệu công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 450 cơ sở kinh doanh dịch vụ, ngành nghề nhạy cảm, cơ quan chức năng phát hiện 64 trường hợp vi phạm. Công tác điều tra cơ bản phát hiện 9 đối tượng chủ chứa mại dâm, 46 đối tượng môi giới mại dâm, 96 đối tượng bán dâm và 45 cơ sở kinh doanh có điều kiện có biểu hiện hoạt động mại dâm. Tính đến đầu tháng 11.2012, số gái mại dâm tái hoà nhập cộng đồng là 18 người. Theo ghi nhận, số gái mại dâm sau khi được “phục hồi nhân phẩm” có chuyển biến tốt, ít tái phạm. Theo quy định mới, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 7.2013, những đối tượng hoạt động mại dâm đang được quản lý tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội  sẽ được trả về. Ngành chức năng cũng có ý kiến đề nghị: Nếu không tập trung cải tạo nữa thì tốt nhất là tăng mức xử phạt để hạn chế tình trạng mua bán dâm.

Cũng liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, đã có 50 xã, phường đăng ký thực hiện Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý, mại dâm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy 76/95 xã, phường có người nghiện ma tuý.

Để ngăn ngừa, hạn chế các loại tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị tỉnh sớm ban hành mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng, vì phải phòng chống từ cơ sở thì hiệu quả mới cao. Đồng thời, tỉnh sớm phê duyệt mức chi cho cộng tác viên truyền thông về phòng, chống mại dâm; mức chi hỗ trợ cho học viên đang tập trung chữa bệnh, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện… Về cơ sở vật chất và đội ngũ, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH kiến nghị sớm trang bị xe chuyên dụng, bác sĩ cho Trung tâm giáo dục lao động xã hội.

Theo BTNO

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây