Tây Ninh: Sơ kết 5 năm thực hiện đề án phân cấp quản lý di tích lịch sử

Thứ bảy - 24/11/2012 00:00 51 0
Hội nghị - hội thảo sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 18.01.2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào sáng 23.11. Đến dự có ông Nguyễn Thành Tuân- Phó Trưởng Ban VHXH- HĐND tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Dần- Phó giám đốc Sở VHTT&DL cùng đại diện các ngành có liên quan.

 

Khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong thực hiện đề án

Đề án nhằm nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH), huy động tối đa nguồn lực xã hội, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc tham gia quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các DTLSVH trên địa bàn tỉnh. Qua 5 năm thực hiện, đề án đã mang lại nhiều kết quả tốt trong công tác quản lý bảo tồn các di tích lịch sử tỉnh nhà. Hiện nay, toàn tỉnh có 81 DTLSVH, trong đó có 23 di tích cấp quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh, trong đó DTLSVH Trung ương Cục miền Nam được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Các loại hình di tích cũng đa dạng với 70 di tích lịch sử, 4 di tích kiến trúc nghệ thuật, 6 di tích khảo cổ và 21 di tích danh thắng.

Đề án cũng đã tạo ra sự thống nhất, đồng thuận giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc phân cấp quản lý di tích. Một số địa phương đã xây dựng bộ máy phù hợp nhằm trực tiếp quản lý di tích hiệu quả như Thị xã, Gò Dầu, Châu Thành, Tân Biên. Nhiều di tích được đầu tư tôn tạo, trùng tu với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng như DTLSVH Dương Minh Châu, đình Hiệp Ninh, đình Gia Lộc, DTLSVH chiến thắng Tua Hai, DTLSVH Núi Bà Đen, DTLSVH Trung ương Cục miền Nam… trích từ các nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh, địa phương và nhân dân tự nguyện đóng góp…

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần có sự quan tâm, giải quyết trong thời gian tới như tình trạng xâm hại di tích vẫn còn diễn ra (trồng hoa màu, lấm chiếm cất nhà trong khuôn viên di tích); sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thiếu sự đồng bộ; nguồn lực huy động từ công tác xã hội hóa chưa đáp ứng nhu cầu bảo vệ di tích, nhất là trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích; công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm,…

Theo BTNO

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây