Nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu mì xuất khẩu

Thứ ba - 24/07/2018 17:00 105 0
Trong năm 2017, các sản phẩm từ mì là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt cao (trên 1 tỷ USD). Tuy nhiên, nguồn xuất khẩu này đang đứng trước nguy cơ khó khăn bởi dịch bệnh trên cây mì hoành hành làm ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch.

Trong buổi làm việc về phòng chống bệnh khảm lá virus hại mì tại Tây Ninh, ông Nguyễn Hồng Sơn -Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh: nếu bệnh khảm lá mì không ngăn chặn kịp thời và triệt để sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, nguy cơ tàn phá ngành sản xuất mì.

Nếu các địa phương không quyết liệt vào cuộc dập dịch khảm lá, nguy cơ ngành mì bị phá sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xuất khẩu nguyên liệu mì trong thời gian tới.

Khảo sát bệnh khảm lá mì tại ruộng mì phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh.

Xuất khẩu nguyên liệu mì giảm mạnh

Tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu năm 2018 vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,5 triệu tấn với giá trị 560 triệu USD, giảm 24,6% về lượng.

Riêng trên địa bàn Tây Ninh, trong tháng 6.2018, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì ước đạt 15,2 triệu USD, giảm 6% so cùng kỳ.

Theo đó, giá xuất khẩu mì lát của Việt Nam (FOB) trong tháng 6.2018 giảm còn 242 USD/tấn, giá tinh bột mì xuất khẩu được chào giá ở mức 520 USD/tấn, tương đương với giá tinh bột mì của Thái Lan trong tháng 6, sau khi nước này hạ giá chào bán.

Giá mì lát của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm do nhu cầu từ thị trường này tiếp tục ở mức thấp. Nguồn cung cấp mì từ Campuchia đã gần hết và chất lượng mì cũng bị ảnh hưởng do virus bệnh khảm lá rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, Thái Lan cũng đang xem xét việc cấm nhập khẩu mì từ Campuchia trong thời gian tới do lo ngại lây lan virus khảm lá.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, do Trung Quốc đang còn một lượng lớn bắp tồn kho nên nước này sẽ nỗ lực sử dụng cho ngành sản xuất ethanol, do đó dự kiến mì lát xuất khẩu sang Trung Quốc khó tăng giá trong nửa cuối năm 2018.

Mức độ nhiễm nặng lên đến 91%

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh, tính đến ngày 17.7, toàn tỉnh đã xuống giống được 34.262 ha mì, các loại giống phổ biến như KM 94, KM 419, HLS 11, KM 140 và một số ít diện tích trồng giống KM 505, MO 101.

Diện tích nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh là 31.216 ha, chiếm 91% diện tích sản xuất và tăng 5,3 lần so với năm 2017. Hiện bệnh khảm lá đã lây lan gây hại trên diện rộng.

Tiêu huỷ mì bị nhiễm bệnh khảm lá.

Cũng theo Sở NN&PTNT, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh trong năm 2017 làm thiếu hụt nguồn nguyên liệu để chế biến, nên từ quý 4.2017 đến nay giá củ mì tươi tăng cao từ 2.200- 3.700 đồng/kg đã kích thích nông dân tiếp tục xuống giống và không tuân thủ theo hướng dẫn của địa phương. Hiện nay, các ruộng mì đang ở giai đoạn 5-6 tháng tuổi và chưa thu hoạch.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng địa phương đã cày hủy 143 ha diện tích mì nhiễm bệnh. Chỉ có một số ít người trồng đồng thuận tiêu hủy với diện tích bị nhiễm qua giống dưới 2 tháng tuổi, có tỷ lệ nhiễm hơn 70%.

Riêng diện tích nhiễm bệnh dưới 70% và nhiễm muộn sau 2 tháng tuổi, người trồng không tiêu hủy và tiếp tục chăm sóc đến cuối vụ thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Mười (ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu) cho biết: mặc dù biết bệnh khảm mì đang hoành hành và ảnh hưởng đến năng suất khoảng 50-70% nhưng vụ mì này anh vẫn quyết định xuống giống 4ha, với giống thông dụng  KM 94.

Khi mì được 2 tháng tuổi thì bắt đầu xoăn đọt và có những biểu hiện của bệnh khảm lá mì. Nhiều người khuyên nhổ bỏ để tránh bệnh lây lan. Tuy nhiên, khi thấy giá thị trường vào thời điểm hiện tại ở mức 3.700 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với mấy năm trước, anh Mười quyết định giữ lại ruộng mì bị nhiễm bệnh và chờ đến ngày thu hoạch.

Anh Mười cho biết thêm: đợt thu hoạch vừa rồi, mì nhiễm bệnh khảm lá nên năng suất chỉ đạt 40% củ, nhưng bù lại bán được giá cao khoảng 3.200 đồng/kg. Trừ hết chi phí, gia đình anh vẫn còn có lời chút đỉnh, đủ chi phí để tiếp tục đầu tư trồng vụ mì sau.

Kiểm tra mì thối củ do nhiễm bệnh.

Gia đình anh Xuân ở khu phố Ninh Phúc, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh đang chuẩn bị thu hoạch 1,5 ha mì. Tuy nhiên, hiện tại ruộng mì của gia đình đang bị nhiễm bệnh khảm lá, không những ảnh hưởng chữ bột mà củ mì đang trong tình trạng bị thối củ nghiêm trọng. Theo anh Xuân, khả năng đợt mì này gia đình bị mất trắng.

Xây dựng chương trình khuyến nông đặc biệt để kiểm soát nguồn giống sạch

Hiện nay tỉnh Tây Ninh có 80 nhà máy chế biến khoai mì với tổng công suất hoạt động khoảng 5.527 tấn sản phẩm/ngày, khoảng 166.000 tấn sản phẩm/tháng.

Trong đó có 18 công ty, doanh nghiệp có công suất từ 50- 300 tấn/ngày, cho thấy nhu cầu về nguyên liệu củ khoai mì của các nhà máy chế biến rất lớn và doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu củ mì tươi từ các tỉnh lân cận trong nước cũng như nhập khẩu từ Campuchia.

Qua điều tra, tìm hiểu của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, khu vực trồng mì vùng bán ngập của lòng hồ Dầu Tiếng trên địa bàn xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu có vị trí tương đối biệt lập với vùng sản xuất lân cận, có bờ đê cao chắn gió và vùng nước nổi xung quanh tạo nên tiểu vùng khác biệt, hạn chế sự phát tán của nguồn bệnh.

Vào năm 2017, trên địa bàn này sử dụng nguồn mì giống sạch bệnh hoàn toàn không nhiễm bệnh khảm lá, mặc dù áp lực nguồn bệnh từ các xã giáp ranh như Tân Hưng, Tân Thành (huyện Tân Châu) rất cao.

Từ kết quả khảo sát, ngành nông nghiệp xem đây là mô hình để nghiên cứu áp dụng trong công tác phòng chống dịch hại tại một số vùng có điều kiện tương đồng như, nâng cao kiến thức quản lý dịch bệnh cho người dân trong toàn khu vực; cắt vụ trồng mì trên toàn khu vực trong thời gian 6 tháng, chọn mùa vụ thích hợp xuống giống tương đối đồng loạt để cách ly nguồn bệnh; hạn chế và vận chuyển củ và tàn dư cây mì có bệnh vào khu vực xây dựng mô hình.

Đóng gói sản phẩm bột mì tại nhà máy sản xuất mì chi nhánh Công ty TNHH Hùng Duy.

Trong buổi làm việc phòng chống bệnh khảm là virus hại mì vừa qua, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã giao Cục Trồng trọt phối hợp với Sở NN&PTNT Tây Ninh xây dựng những chương trình khuyến nông mang tính chất đặc biệt để kiểm soát nguồn giống sạch bệnh.

Chọn một điểm trên địa bàn tỉnh khoanh vùng để xuống giống và được kiểm soát chặt chẽ từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, để tạo ra nguồn giống chất lượng, kháng bệnh, phục vụ cho sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, giao cho Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp nhiệt đới Hà Nội, ngay lập tức nghiên cứu 50 giống mì kháng bệnh và kiểm tra nhanh chọn ra 3 giống mì hoàn toàn sạch bệnh đưa về trồng thử nghiệm trên địa bàn Tây Ninh để đánh giá năng suất, chất lượng và mức độ kháng bệnh; sau đó nhân rộng ra cho người dân trồng, góp phần tăng cường cho bộ mì giống đạt chất lượng và kháng bệnh.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây