Nhân nuôi ong ký sinh trong phòng trừ rệp sáp bột hồng gây hại cây mì

Thứ tư - 19/08/2015 08:00 75 0
Đó là sáng kiến của chị Lê Thị Kiều Trang, Trưởng phòng Kỹ thuật - Chi cục Bảo Vệ Thực Vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh.

Cây mì là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh có diện tích sản xuất hàng năm  khoảng 45.000 ha, và tinh bột mì là nguyên liệu chính cho một số ngành công nghiệp chế biến. Trong khi Rệp sáp bột hồng là đối tượng dịch hại mới lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam và Tây Ninh là tỉnh đầu tiên có diện tích mì bị hại. Đây là dịch hại nguy hiểm, có khả năng làm giảm năng suất và chất lượng củ mì nghiêm trọng khi bị nhiễm nặng; chúng có tốc độ lây lan nhanh và phòng trừ bằng thuốc hóa học cho hiệu quả không cao, tái nhiễm nhanh.

Ý thức trách nhiệm của bản thân, với vai trò tham mưu kỹ thuật quản lý dịch hại cây trồng trên địa bàn tỉnh, chị đã cùng một số đồng nghiệp không ngại khó khăn đi khảo sát thường xuyên các cánh đồng trồng mì khác nhau ngay từ khi rệp sáp bột hồng bắt đầu phát sinh gây hại nhằm tìm giải pháp phòng trừ thích hợp. Khi tiếp cận thông tin về loài ong ký sinh chuyên tính áp dụng thành công ở Thái Lan và một số nước khác trên thế giới thông qua lớp tập huấn nhanh của các chuyên gia tổ chức FAO vào cuối tháng 5/2013, chị đã đề xuất, tổ chức và cùng một số cán bộ kỹ thuật thực hiện nhân nuôi ong ký sinh và mục tiêu đặt ra  phải nuôi thành công loài ong này phù hợp điều kiện Tây Ninh trong thời gian 6 tháng. Bởi vì mùa khô là thời điểm dịch hại bùng phát và gây hại vụ mì chính  vụ của tỉnh. Để kiểm soát được dịch hại, chị và ê-kíp nghiên cứu phải có số lượng ong để thả ra đồng kịp thời ngay khi dịch hại bắt đầu phát sinh mới hy vọng ngăn chặn được dịch lây lan ra diện rộng.

Khi xác định được mục tiêu và nhiệm vụ, các cán bộ kỹ thuật đã tiến hành xác lập quy trình nhân nuôi ong ký sinh chuyên tính Anagyrus Lopezi. Trong suốt thời gian 6 tháng, với lượng kiến thức lý thuyết giới hạn được chuyên gia giới thiệu, chị và các đồng nghiệp vừa nghiên cứu, vừa học, vừa làm để thiết lập quy trình nhân nuôi. Do công việc khá mới lạ, chưa có nghiên cứu nào trong nước được công bố; thiếu các cơ sở vật chất để nhân nuôi, chị và các đồng nghiệp tạm sử dụng: sân bóng chuyền làm nơi trồng mì, phòng làm việc là nơi sản xuất ong, ...; điều kiện thời tiết không thuận lợi nên gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Với tinh thần trách nhiệm  trong công việc, niềm đam mê khoa học, linh hoạt, sáng tạo, khắc phục các khó khăn; chị và các đồng nghiệp đã xác lập thành công quy trình nhân nuôi phù hợp điều kiện thực tế tại Tây Ninh vào cuối năm 2013.

Tham gia cùng cơ quan chuyên ngành cấp trung ương xây dựng giải pháp phòng trừ tạm thời đối với rệp sáp bột hồng hại mì (sắn) ở Việt Nam và áp dụng đạt hiệu quả tại Tây Ninh trong 02 năm 2014 – 2015, nhằm tìm giải pháp phòng trừ rệp sáp hồng, bản thân chị đã cùng một số cán bộ kỹ thuật tìm hiểu về sự gây hại, vòng đời của loài dịch hại này, khảo sát bộ thuốc hóa học để phục vụ công tác phun thuốc trừ dập dịch sau khi áp dụng biện pháp nghiêm ngặt là tiêu hủy dịch hại ngăn chặn lây lan vào năm 2012. Năm 2013, nắm sát tình hình diễn biến dịch hại và các thành phần loài thiên địch ngay từ đầu vụ để dự báo dịch hại trong sản xuất; điều tra, khảo sát tình hình hình thực tế canh tác mì tại các vùng, tìm hiểu sự khác biệt về mức độ hại giữa các ruộng, vùng sinh thái, điều kiện canh tác, cách phòng trừ của nông dân; kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn phòng trừ dịch hại khác,… Từ đó rút ra một số kết luận làm cơ sở đề xuất xây dựng giải pháp phòng trừ tạm thời.

Xác lập thành công quy trình nuôi ong ký sinh phù hợp điều kiện thực tế tại Tây Ninh là nền tảng quyết định sự thành công trong công tác phòng trừ dịch rệp sáp bột hồng gây hại cây mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong năm qua và các năm tiếp theo. Quy trình nhân nuôi ong ký sinh không những phù hợp trong điều kiện thực tế tại Tây Ninh, mà còn có thể áp dụng cho các địa phương (tỉnh) trồng mì khác trong nước.

Sau khi xác lập thành công quy trình nhân nuôi ong ký sinh hoàn chỉnh phù hợp điều kiện thực tế tại Tây Ninh, chị và đồng nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ nhân nuôi, phóng thích (thả) không tính phí số lượng lớn ong ký sinh ra đồng và trên diện rộng ngay từ đầu vụ mì chính vụ của các vùng nguyên liệu giúp nông dân quản lý rệp sáp bột hồng hiệu quả và bền vững. Kết quả, tính đến ngày 10/6/2015 đã nhân nuôi được 497.000 cặp ong ký sinh và phóng thích 431.000 cặp ong ký sinh ra đồng tại các địa phương trong tỉnh. Tình hình rệp sáp bột hồng gây hại cây mì trên địa bàn tỉnh năm 2014 chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, đã giảm 43% diện tích nhiễm và giảm mạnh mức độ hại so với năm 2013 (năm 2013 có 448 ha nhiễm ở mức độ từ nặng đến rất nặng); năm 2015 đã giảm 73,2% diện tích nhiễm so với năm 2014 và chủ yếu có mức độ hại thấp. Vào tháng 4, 5 năm 2014 và 2015 mặc dù là thời điểm nắng nóng gay gắt nhưng mật số rệp/ngọn mì đã giảm mạnh, ngọn mì phục hồi bung ngọn mới, hầu hết diện tích mì bị nhiễm rệp đã được phục hồi sinh trưởng phát triển bình thường; ảnh hưởng không nhiều đến năng suất và chất lượng củ mì vào cuối vụ; nông dân rất phấn khởi.

Phòng trừ rệp sáp bột hồng bằng biện pháp sinh học thông qua việc nhân, thả ong ký sinh chuyên tính Anagyrus lopezi ra đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, giúp nông dân bảo vệ được năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản mà không phải tốn kém chi phí sử dụng thuốc hóa học; ngoài ra, còn mang lại lợi ích về môi trường, đa dạng sinh thái trên đồng ruộng. Nguồn ong ký sinh thả ra đồng sẽ tiếp tục thiết lập quần thể trong tự nhiên, phát tán ra các tỉnh trồng mì lân cận. Từ hiệu quả đạt được tại Tây Ninh, Cục Bảo vệ thực vật đang khuyến khích các địa phương khác trong nước thực hiện.

Bản thân chị đã xây dựng chương trình, kế hoạch và trực tiếp tập huấn chuyển giao kỹ thuật 02 lớp IPM về quản lý rệp sáp bột hồng bằng biện pháp sinh học cho 60 nông dân trồng mì tham gia. Thời gian học 9 tháng từ tháng 11/2013 – tháng 8/2014 (01 vụ mì). Nguồn kinh phí do FAO tài trợ. Ngoài công tác phòng trừ dịch rệp sáp bột hồng gây hại cây mì, với vai trò lãnh đạo phòng Kỹ thuật, bản thân chị đã tổ chức, điều hành bộ phận kỹ thuật thực hiện đạt hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn như: Dự báo tình hình dịch hại trên một số loại cây trồng chính trên địa bàn tỉnh và đề xuất biện pháp phòng trừ, các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt và BVTV (mô hình 4 nhà/lúa, rau an toàn,...). Soạn thảo, tham mưu các hồ sơ để ngành Nông nghiệp và UBND tỉnh công bố dịch hại mới (rệp sáp hồng hại mì, sâu đục thân 4 vạch đầu nâu hại mía) và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hại trên địa bàn tỉnh, ….

LTKT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây