Nhân rộng phong trào, mô hình BVMT hiệu quả

Thứ tư - 03/07/2013 00:00 60 0
Kể từ khi Quốc hội phê chuẩn Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), công tác BVMT nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có sự đồng thuận tham gia, đóng góp tích cực của đông đảo tầng lớp nhân dân. Quan điểm, chủ trương này đã được nhiều nước trên thế giới thừa nhận và thực hiện sâu rộng.

Nhằm đưa hoạt động bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách, biện pháp huy động các tầng lớp nhân dân tham gia BVMT. Phong trào BVMT phát triển hầu khắp vùng miền trên cả nước. Một số phong trào, hoạt động BVMT tiêu biểu, hiệu quả cần được nghiên cứu, tuyên truyền nhân rộng.

Phong trào sạch làng tốt ruộng

Phong trào này có lịch sử lâu dài nhất ở nước ta. Phong trào xuất hiện chủ yếu ở các vùng nông thôn miền Bắc vào cuối những năm 1950, nở rộ vào giữa những năm 1960 thế kỷ trước. Hoạt động chính của phong trào là tuyên truyền, vận động nông dân giữ gìn vệ sinh nhà cửa, quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu dọn rác ủ làm phân bón ruộng. Đến nay các hoạt động trên vẫn được duy trì, phát triển ở nhiều vùng nông thôn như Thái Bình, Hà Nam, Nam Định Thanh Hóa, Nghệ An…

Phong trào thanh niên, sinh viên tình nguyện BVMT

 Nổi bật phong trào này là “Tình nguyện Xanh”, “Mùa hè xanh” của thanh niên sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng; phong trào “Vì màu xanh quê hương”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Vì biển xanh” v.v... đã có sức thu hút hằng vạn thanh niên, sinh viên, học sinh cả nước tích cực tham gia hưởng ứng.

Mô hình cam kết BVMT: Mô hình hoạt động trên cơ sở Hương ước, Quy ước, quy chế, quy định BVMT do các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng. Mô hình cam kết BVMT đã phát triển rộng khắp cả nước như: Hương ước BVMT làng Văn hoá Chiết Bi, xã Thủy Tân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế; Hương ước BVMT thôn Đồng Vành, xã Lục Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; Quy định BVMT xã Thạch Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; Hương ước BVMT thôn Ea Ve, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk v.v... Điều quan trọng là các hương ước, quy ước, quy chế, quy định về BVMT do chính người dân, tổ chức tại địa phương cơ sở tham gia xây dựng; chủ trì thực hiện nên đã phát huy tính dân chủ, tính quần chúng cao trong BVMT.

Mô hình tự chủ, tự quản kiểm soát ô nhiễm môi trường

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân được nâng cao, chất thải phát sinh lớn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường hầu khắp mọi nơi. Trước tình trạng đó, nhân dân cơ sở lập ra các hình thức tự quản để quản lý rác thải địa phương mình. Thí dụ: HTX Nước sạch, Vệ sinh môi trường Hiệp Hòa, Bắc Giang; Đội thu gom rác dân lập thị xã Cửa Lò, Nghệ An; HTX môi trường Thành Đạt, xã Tân Linh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ); Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Công ty TNHH Huy Hoàng, Lạng Sơn… Mô hình này đã phát huy hiệu quả tại chính từng cơ sở, gắn liền với tâm tư nguyện vọng của mỗi người dân, tổ dân phối, các Đoàn, Hội chính trị xã hội tại cơ sở…

Trong ngành Giáo dục và Đào tạo đã từ lâu nổi lên phong trào xây dựng mô hình “Trường Xanh - Sạch - Đẹp”. Tiêu biểu như Trường Trung học cơ sở Hồng Thái, tỉnh Tuyên Quang; trường Tiểu học Kim Đồng, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; Trường Trung học cơ sở Kỳ Tân, Hà Tĩnh; Trường Tiểu học Phan Rí Thành 2, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận v.v… Hiện nay, khắp các vùng miền, từ phố phường, thôn xóm thành lập, vận hành nhiều mô hình như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tự quản BVMT, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường tại chính địa phương.

Mô hình lồng ghép xóa đói giảm nghèo với BVMT

Mô hình lồng ghép được người dân nhiệt tình đón nhận, bởi liên quan đến quyền lợi giữa nhà nước và người dân. “Làng sinh thái” là mô hình có tiếng vang lớn. Người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng phát triển mô hình này là cố GS. TSKH. Nguyễn Văn Trương, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái với các mô hình có kết quả cao như: Làng sinh thái người Dao, Ba Vì, Hà Nội; Làng sinh thái Phú Điền, Nam Sách, Hải Dương; Làng sinh thái Triệu Vân, Triệu Phong, Quảng Trị; Làng sinh thái Kim Lư, Na Rì, Bắc Kạn và nhiều làng sinh thái ở các vùng khác nhau trên đất nước ta.

Bên cạnh mô hình “Làng sinh thái” còn có “Làng Năng suất xanh” do Trung tâm Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng. Nông thôn nước ta, từ lâu đã phát triển mô hình “Vườn - Ao - Chuồng” (VAC) là sự kết hợp khéo léo và tinh tế giữa làm vườn, nuôi thả cá và chăn nuôi gia súc, gia cầm ; vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giải quyết vấn đề môi trường trong mỗi hộ gia đình. Miền núi nước ta phát triển mô hình “Rừng - Vườn - Ao - Chuồng”, khởi nguồn của chính sách lâm nghiệp xã hội một thời phát triển rầm rộ ở các tỉnh khu vực phía Bắc.

Mô hình BVMT trong sản xuất công nghiệp

 Là mô hình áp dụng cách tiếp cận sản xuất sạch hơn trong các ngành công nghiệp do Trung tâm sản xuất sạch hơn Viện Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã, đang áp dụng thành công hệ thống quản lý môi trường theo ISO14001. Ví dụ : Công ty TNHH VIETUBES Bà Rịa - Vũng Tàu, Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai, Công ty Thuốc sát trùng miền Nam, Công ty TNHH Chiangshin Việt Nam, Công ty phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty xăng dầu Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Sam Yang Việt Nam...

Cá nhân tình nguyện bảo vệ thiên nhiên và môi trường

Bên cạnh các phong trào, mô hình BVMT mang tính tập thể, thì các điển hình là cá nhân cũng đã xuất hiện với những đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên, môi trường nước ta. Đặc biệt, nhiều tấm gương tình nguyện thầm lặng, bền bỉ dành nhiều công sức, tình yêu thiên nhiên và môi trường, đặc biệt không sợ hiểm nguy như Mẹ Nghèng, Quảng Bình, bà Vũ Thị Khiêm ở Lập Thạch, Phú Thọ, ông Đặng Đình Quyển ở Đào Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang và nhiều tấm gương khác.

Phong trào, mô hình BVMT đã phát triển rộng khắp ở nước ta. Trước đây, phong trào, mô hình BVMT mang nặng tính tự phát và xuất phát từ nhu cầu bức xúc phải giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường thì nay đã có vai trò quản lý của cơ quan chức năng. Đây là yếu tố làm cho công tác BVMT từ cơ sở, cộng đồng phát triển mạnh và dần hướng đến sự bền vững. Theo đó, cần sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp thẩm quyền; quản lý hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước; đặc biệt nghiên cứu tổng kết khoa học về phong trào, mô hình BVMT và nhân rộng.

Hiện nay Luật BVMT đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Theo đó, cần thiết bổ sung tiêu chí, điều kiện phát triển phong trào, hoạt động, mô hình BVMT đi đôi với việc tuyên dương, tuyên truyền, khen thưởng.

Theo monre.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây