Nghề đan giỏ ở xã An Tịnh.
Trước thế kỷ XVII, Trảng Bàng là vùng đất hoang vu, nhiều rừng rậm, trong rừng có nhiều thú dữ. Giữa thế kỷ XVII, một số người từ miền Trung rời bỏ quê làng di chuyển dần vào miền Nam sinh sống. Trong số họ, có những người tìm đến vùng đất Trảng Bàng khai hoang lập nghiệp. Vì vậy, có thể nói Trảng Bàng là vùng dân cư hình thành sớm nhất của tỉnh Tây Ninh. Cùng với quá trình khai hoang vỡ đất để trồng trọt, chăn nuôi, người dân Trảng Bàng thuở đó còn làm một số nghề thủ công như in gạch ngói, đóng xe bò, rèn, đan lát mây tre, chằm nón lá, đương đệm, làm bánh tráng… Các nghề thủ công này góp phần đáng kể ổn định cuộc sống của họ. Có những nghề riêng lẻ, ngày nay không còn nữa như in gạch, ngói, đóng xe bò, nhưng cũng có một số nghề phát triển mạnh, tập trung thành từng khu vực và đến nay vẫn còn duy trì như nghề rèn, nghề chằm nón lá hoặc đan mây, tre, đương đệm, vót đũa… Trong số các nghề thủ công truyền thống đó có nghề đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đó là nghề làm bánh tráng phơi sương- tập trung ở khu vực thị trấn Trảng Bàng. Tháng 4.2016, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Festival nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Các nghề truyền thống khác tuy không phát triển hơn nhưng vẫn còn duy trì.
Trước kia, các ngành nghề truyền thống ở Trảng Bàng phát triển rất mạnh, tập trung ở một số khu vực nhất định. Trước hết phải kể đến nghề rèn. Ở xã Gia Lộc có một xóm dân cư gọi là ô Lò Rèn, thuộc ấp Tân Lộc với hơn 300 hộ dân, hầu hết sống bằng nghề rèn. Nghề rèn ở đây từng có thời phát triển rất mạnh với các mặt hàng làm ra khá đa dạng như cày, cuốc, liềm, phảng, rựa, dao… phục vụ cho sản xuất và cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Đồ rèn ở xã Gia Lộc lúc ấy được bán đi khắp nơi. Ô Lò Rèn đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề truyền thống từ tháng 2.2015. Công nghiệp ngày càng phát triển, cơ giới hoá từng bước thay thế sức lao động con người, nên các mặt hàng rèn thủ công ngày càng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nhiều thợ rèn lần lượt bỏ nghề. Hiện nay, ở ô Lò Rèn chỉ còn vài chục hộ duy trì nghề cũ. Một bậc cao niên ở ô Lò Rèn cho biết, đây là cái nghề cha truyền con nối của gia đình ông. Ông đã sống bằng nghề rèn hơn 60 năm qua. Hiện nay, ông cũng còn làm nghề rèn nhưng chỉ theo đặt hàng của nông dân. Theo ông, khó khăn lớn nhất của nghề rèn thủ công là khâu đầu ra sản phẩm và nguồn than đốt lò.
Ở xã An Hoà trước đây có rất nhiều người làm nghề chằm nón lá, nhiều nhất là ở ấp An Quới. Ở đây gần như nhà nhà chằm nón, người người chằm nón. Phụ nữ, thanh niên, trẻ em đều biết làm. Nay thì chỉ còn vài hộ theo nghề. Bà Lê Thị Trỷ, 72 tuổi, một người dân trong ấp cho biết, chính bà cũng không rõ nghề làm nón lá ở đây có từ lúc nào, mặc dù bà đã gắn bó với nghề này từ lúc mới lên 10 tuổi. Bà là người chằm nón khéo nhất xóm nên đến nay vẫn còn người tìm đến bà đặt nón. Tuỳ theo sở thích của khách hàng, bà nhận chằm nón với giá từ 25.000 đến 50.000 đồng/chiếc. Cặm cụi chằm suốt ngày, bà cũng chỉ kiếm được khoảng vài chục ngàn đồng (sau khi trừ chi phí mua vật liệu). Những người không được khéo léo như bà Trỷ thì chằm nón hàng bán cho thương lái. Tuỳ theo chất lượng nón mà giá bán từ 80.000 đến 150.000 đồng một chục. Trừ chi phí đầu vào, người chằm nón còn lời được từ 40.000 đến 100.000 đồng/chục nón (chưa tính công sức bỏ ra).
Xã An Hoà cũng có nghề sản xuất hàng mây tre đã tồn tại từ rất lâu đời. Ngoài những hộ làm theo lối thủ công truyền thống hàng chục năm qua, trên địa bàn xã còn có 3 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kiểu bán công nghiệp. Những năm gần đây, nghề sản xuất hàng mây tre ở An Hoà ngày càng gặp khó do đơn đặt hàng ít, nguyên liệu sản xuất ngày càng khan hiếm, phải đi mua ngoài tỉnh hoặc sang tận Campuchia.
An Hoà còn có một xóm dân cư chuyên nghề làm đũa tre, từ đó hình thành địa danh xóm Đũa. Xóm Đũa thuộc địa bàn ấp Hoà Phú. Cũng như một số nghề thủ công truyền thống ở nơi khác, nghề làm đũa nơi đây có lúc tưởng chừng như mai một. Nhưng rồi nó vẫn được duy trì và gần đây đã có chiều hướng phát triển.
Xã An Tịnh có nghề đan giỏ tre, giỏ trúc, tập trung nhiều nhất ở các ấp An Phú, An Khương và An Thành. Hiện nay tại các ấp này vẫn còn hàng trăm hộ đan giỏ, hầu hết chỉ gia công cho các đại lý hàng mây tre xuất khẩu. Những người làm nghề này đa số đều đã ngoài 50 tuổi, bởi lao động trẻ phần đông đều đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Một người cao tuổi sống lâu năm với nghề đan giỏ ở đây cho biết, nếu 2 vợ chồng cùng đan giỏ thì mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng. Ở xã An Tịnh còn có một tổ hợp tác đương đát với đa số tổ viên là phụ nữ cao tuổi.
Một số ít người cao tuổi ở ô Lò Rèn vẫn còn làm nghề rèn.
Ở xã Gia Bình lại có nghề đương đệm truyền thống, nghề này tập trung nhiều nhất ở ấp Bình Nguyên 1. Trước đây khi chiều xuống, cả xóm rộn vang tiếng chày giã bàng. Nhiều năm gần đây, những âm thanh vui tai ấy không còn nữa. Vì số người còn theo nghề đương đệm rất ít và hiện nay không còn ai giã bàng bằng chày (thay vào đó người ta ép bàng bằng máy). Một cụ bà ngoài bảy mươi- trong số ít ỏi người còn theo nghề đương đệm trong ấp Bình Nguyên 1 cho biết, trước đây cả xóm cùng đương đệm, có khi mọi người tập họp lại làm đua với nhau, tạo ra bầu không khí rộn ràng, đông vui. Nay, lớp trẻ đi làm xí nghiệp, chỉ còn lại những người lớn tuổi như bà mới ngồi đương đệm. Biết đương đệm từ năm 15 tuổi, đến nay cụ bà này vẫn gắn bó với công việc mình đã làm suốt hàng chục năm qua. Cứ 2 ngày bà đương được một tấm đệm (loại dài 2 mét, ngang 1,6 mét), trừ hết chi phí mua nguyên liệu, bà còn lại được khoảng 110.000 đồng.
Theo Báo Tây Ninh Online