Nhiều ý kiến xác đáng trước thềm kỳ họp

Thứ ba - 22/10/2013 00:00 34 0
Hôm nay, 21.10 Quốc hội khoá XIII khai mạc kỳ họp thứ 6, kỳ họp giữa nhiệm kỳ với chương trình nghị sự rất quan trọng, có thời gian dự kiến dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay (44 ngày, từ 21.10 đến 3.12.2013). Trước khi Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh lên đường đến thủ đô Hà Nội tham dự kỳ họp, phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông LÊ MINH TRỌNG, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH, nội dung như sau:

 

Ông Lê Minh Trọng (giữa)- Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh tại buổi làm việc với UBND Thị xã Tây Ninh.

- Thưa ông Trưởng đoàn ĐBQH, được biết, trước thềm kỳ họp thứ 6, các vị ĐBQH đơn vị tỉnh nhà đã có các cuộc tiếp xúc với hàng ngàn cử tri khắp nơi trong tỉnh, kể cả cử tri nơi công tác, nơi cư trú của ĐBQH, ông Trưởng đoàn có nhận định gì về đợt tiếp xúc vừa qua, và đoàn ĐBQH sẽ có động thái nào đối với tâm tư, nguyện vọng của cử tri Tây Ninh bày tỏ qua các cuộc tiếp xúc?

 - Vừa qua, từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10.2013, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN các cấp tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội tại 23 điểm với hơn 2.880 lượt cử tri tham dự.

Tại các buổi tiếp xúc, đại diện đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo dự kiến chương trình kỳ họp 6, Quốc hội khoá XIII và kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong các lần tiếp xúc trước. Qua các cuộc tiếp xúc với cử tri, đoàn ĐBQH đã tiếp thu và ghi nhận hơn 126 lượt cử tri phát biểu với 151 vấn đề liên quan về chính sách pháp luật, về sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của chính quyền địa phương trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, về phòng, chống tham nhũng, an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công, vấn đề ô nhiễm môi trường…

Đoàn ĐBQH đánh giá cao các ý kiến phát biểu có trách nhiệm của cử tri, giải trình một số vấn đề cử tri kiến nghị, đồng thời, ghi nhận các ý kiến kiến nghị để tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cũng như để trực tiếp phát biểu trên diễn đàn kỳ họp.

- Được biết, theo chương trình kỳ họp lần này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là vấn đề trọng đại mà nhân dân ta rất quan tâm, đóng góp rất nhiều ý kiến, Quốc hội cũng đã nhiều lần thảo luận tại các kỳ họp trước. Kỳ này, cử tri Tây Ninh có thêm ý kiến, kiến nghị gì không?

- Ngoài các ý kiến đóng góp qua những lần lấy ý kiến nhân dân trước đây, qua các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp này, cử tri Tây Ninh đã có những ý kiến được Đoàn ĐBQH ghi nhận và kiến nghị với Quốc hội. Đó là việc cử tri huyện Tân Biên đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung trong Hiến pháp một điều là “Nhà nước luôn bảo hộ hàng nông sản Việt Nam”. Cử tri các sở, ngành tỉnh và các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu đề nghị Quốc hội xem xét khi sửa đổi Hiến pháp 1992 “cần có một điều quy định rõ việc xử lý nghiêm những người lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, không đúng tôn chỉ, mục đích của đạo, không phù hợp với nguyện vọng đại đa số tín đồ tôn giáo để nhằm khắc phục tình trạng nhiều người lợi dụng tôn giáo để biểu tình chống đối tại một số tỉnh phía Bắc, miền Trung trong thời gian qua”.

- Xin ông Trưởng đoàn ĐBQH cho biết, cùng với nhiệm vụ lập hiến, đối với nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội, cử tri có ý kiến gì đối với công tác xây dựng pháp luật cũng như việc giám sát thực thi pháp luật của Quốc hội tại kỳ họp này?

- Về công việc này, cử tri tỉnh ta đã có những ý kiến rất xác đáng, cho thấy người dân rất quan tâm đến nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội, cũng như vấn đề đưa pháp luật đi vào cuộc sống xã hội. Cụ thể là cử tri đề nghị Quốc hội có các giải pháp hữu hiệu hơn để nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật, tránh tình trạng luật được ban hành không có tính khả thi và không đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội.

Cử tri cho rằng hiện nay, nhiều dự án luật mới vừa ban hành lại phải sửa đổi bổ sung; cụ thể, tại kỳ họp 6, số dự án luật sửa đổi, bổ sung chiếm hơn 1/2 tổng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến lần đầu. Đồng thời, cử tri đề nghị Quốc hội chậm thông qua dự án Luật Đất đai vì các văn bản dưới Luật ban hành rất nhiều, cần phải nghiên cứu sâu và lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Đối với việc thi hành pháp luật, cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát và yêu cầu các cơ quan tư pháp hằng năm phải công khai việc xử lý sai phạm đối với các cơ quan tư pháp trong việc truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án oan, sai. Cử tri thị xã Tây Ninh nhận xét thời gian qua số vụ án được đưa ra xét xử ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm bị toà án cấp trên huỷ, sửa khá nhiều; nhưng trách nhiệm của người thi hành công vụ trong việc giải quyết các vụ án oan, sai chưa được công khai cho cử tri biết.

Đặc biệt, cử tri huyện Dương Minh Châu phản ánh, đối với vụ án liên quan đến tham nhũng, khi vụ việc bị phát hiện thì nhân dân nghe và nhận được rất nhiều thông tin phản ánh từ các phương tiện thông tin đại chúng nhưng kết quả xử lý, phán quyết cuối cùng thì người dân không nắm được.

- Còn những vấn đề mà cử tri thường đặt ra trong các cuộc tiếp xúc là công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, cử tri có nêu ý kiến, nguyện vọng gì không?

- Phòng chống tham nhũng đi đôi với thực hành tiết kiệm chống lãng phí là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hết sức quan tâm. Trước kỳ họp này cử tri tỉnh ta kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng nên bổ sung quy định công khai việc kê khai tài sản hằng năm của một số đối tượng cán bộ, công chức tại nơi cư trú và nơi công tác, để phát huy tác dụng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Cử tri còn đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên có một điều riêng quy định về chế tài xử lý việc quản lý, sử dụng đất đai; bởi vì hiện nay, trong cả nước việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp, khu du lịch sinh thái… “treo” diễn ra khá phổ biến, gây lãng phí đất đai rất nghiêm trọng.

Về an sinh xã hội, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng chế độ được hưởng BHXH tự nguyện như chế độ BHXH bắt buộc, để tạo sự công bằng giữa những người tham gia BHXH theo Luật BHXH. Đáng chú ý là cử tri đề nghị nên xem xét lại ý tưởng sẽ nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động với lý do “vỡ quỹ bảo hiểm xã hội”, bởi cử tri cho rằng “ý tưởng này không thuyết phục”.

Cử tri còn đặt vấn đề Quốc hội cần giám sát việc ban hành văn bản của Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem có trái với quy định pháp luật không? Cụ thể là việc BHXH quy định bắt buộc người bệnh ký tên trong khi bệnh nhân mắc bệnh tâm thần và bại liệt; cần tăng cường giám sát việc quản lý giá và chất lượng các loại thuốc tân dược phục vụ công tác chữa bệnh cho bệnh nhân.

Cử tri các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tỉnh tham dự cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH trước kỳ họp thứ 6- Quốc hội khoá XIII

 - Đối với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, cử tri có kiến nghị gì không? Nhất là đối với những vấn đề đang tác động trực tiếp vào sản xuất và đời sống nhân dân?

- Qua các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH ghi nhận được ý kiến cử tri không đồng tình việc Chính phủ quy định thu phí xe mô tô như hiện nay, và đề nghị nếu có thu phí xe mô tô thì phải giảm phí xăng dầu.

Đồng thời, cử tri đề nghị Chính phủ bộ, ngành Trung ương có báo cáo kết quả thu phí giao thông trên đầu phương tiện xe ô tô, mô tô và kế hoạch sử dụng, phân bổ kinh phí cho các địa phương để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các tuyến đường giao thông.

Bên cạnh đó, cử tri phản ánh, trên thị trường hiện nay, các loại nông sản như lúa, mì, mía, cao su... liên tục bị giảm giá; trong khi đó giá cả một số chi phí đầu vào phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp như điện, nước, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, giống… đều gia tăng khiến nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp rất khó khăn.

Cử tri tiếp tục đề nghị, Chính phủ có chủ trương bình ổn giá từ gốc, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nông dân về vốn, giống, vật tư, khoa học - kỹ thuật... quan tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào, tìm kiếm thị trường đầu ra và các giải pháp hữu hiệu hơn để giúp nông dân có lãi.

Đồng thời cử tri còn nêu một số việc bất cập với địa chỉ cụ thể trên các lĩnh vực đi lại, học hành, chữa bệnh của nhân dân thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành Trung ương. Đoàn ĐBQH đã tập họp đầy đủ và chuyển đến các bộ, ngành để có hướng giải quyết, trả lời ý kiến cử tri.

-          Xin cảm ơn ông Trưởng đoàn ĐBQH!

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây