Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhiều chương trình, đề án và chính sách đã được triển khai để khuyến khích và phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Các nhóm chính sách đã được ban hành chủ yếu như sau:
Người nông dân cần nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: thu hoạch lúa ở ấp Tầm Long, xã Trí Bình, huyện Châu Thành.
Nhóm chính sách về rà soát quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020: Bộ NN&PTNT đã và đang xây dựng, thực hiện 7 đề án chiến lược và gần 20 quy hoạch phát triển thuỷ lợi, thuỷ sản, lâm nghiệp… theo hướng khai thác tối đa lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái, từng loại sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Một số chính sách tiêu biểu mới được ban hành nhị Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11.5.2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02.02.2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09.01.2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16.9.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thuỷ sản đến năm 2020…
Nhóm chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế: Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thuỷ sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thuỷ sản, triển khai rộng rãi quy trình sản xuất tốt theo GlobalGAP và VietGAP; triển khai chương trình Cơ giới hoá vả giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp tới năm 2020. Một số chính sách tiêu biểu như Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29.01.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020; Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09.01.2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản…
Nhóm chính sách về thương mại và tiêu thụ nông – lâm – thuỷ sản: Đã xây dựng và đang triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại nông – lâm – thuỷ sản đến năm 2020; nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ thu mua nông – lâm – thuỷ sản, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân…
Với các chính sách tổng thể, đồng bộ như trên, thời gian vừa qua đã tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu, mục tiêu phát triển của ngành NN&PTNT thì các chính sách cần tiếp tục được rà soát điều chỉnh, bổ sung để phát triển nền sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và ở các địa phương nói riêng theo hướng hiện đại gắn với thị trường. Hệ thống các chính sách toàn diện đang được Bộ NN&PTNT xây dựng và trình trong Đề án tái cơ cấu, sẽ giúp ngành phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc