Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang làm việc với Sở Y tế tỉnh: Giải quyết bài toán “nguồn nhân lực” để ngành Y phát triển

Thứ năm - 07/08/2014 00:00 126 0
Chiều 6.8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Sở Y tế Tây Ninh về hoạt động công tác của ngành.

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc với ngành Y tế.

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay số cán bộ y tế công lập trong toàn ngành y tế của tỉnh là 2.916 người, trong đó có 472 bác sĩ và 67 dược sĩ; 15 thạc sĩ, 153 bác sĩ chuyên khoa I và 11 bác sĩ chuyên khoa II. Ngoài công lập có 141 bác sĩ và 56 dược sĩ.

Các chính sách đào tạo, thu hút nhân tài của tỉnh cơ bản đang phát huy hiệu quả; cán bộ công chức, viên chức được cử đi đào tạo đều chấp hành quy định trở về địa phương phục vụ sau khi tốt nghiệp.

Trong năm 2013 ngành Y tế cử 42 người đi đào tạo bậc đại học và sau đại học, trong đó chính quy (y khoa) 8 người, liên thông 24 người  (y 18 người, dược 3 người, cử nhân chuyên ngành  3 người), chuyên khoa cấp I 10 người; hiện có gần 100 sinh viên (y, bác sĩ) chính quy theo địa chỉ và liên thông đang được đào tạo tại các trường y trên cả nước.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế, tình hình thiếu bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập hiện vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trong hai năm 2012-2013, toàn ngành bổ sung được 14 bác sĩ nhưng có đến 26 người nghỉ hưu, 9 người nghỉ việc, bỏ việc. Số bác sĩ dự kiến nghỉ hưu trong năm 2014 là 25 người và trong 6 tháng đầu năm 2014 đã có 2 bác sĩ bỏ việc. Số nghỉ hưu từ năm 2015 đến 2020 là 155 người.

Mặc dù Sở đã thực hiện Quyết định số 09/2009/QĐ-UBND ngày 10/02/2009 của UBND tỉnh quy định tạm thời chính sách hỗ trợ, phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2009 – 2015 và Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 13/8/2012 của UBND tỉnh ban hành về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, nhưng tính từ năm 2010 đến 2012 chỉ thu hút được 7 bác sĩ, trong đó có 3 bác sĩ chuyên khoa I. Năm 2013 không thu hút được người nào.

Tình trạng thiếu bác sĩ làm cho những giải pháp chống quá tải và nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân trong thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn; không đủ bác sĩ để bố trí trực, không thể bố trí tăng thêm bàn khám, không thể để bác sĩ đi học chuyên môn dài ngày, thiếu bác sĩ để vận hành máy móc, thiết bị, thực hiện kỹ thuật mới…

Nhiều bác sĩ, nhất là bác sĩ tuyến trên, phải làm việc với cường độ cao mà không có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khoẻ, không có thời gian học tập, nghiên cứu tài liệu để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Bé kiến nghị về những khó khăn của ngành.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số bệnh viện cấp tỉnh cũng như một số trung tâm y tế huyện đã kiến nghị với UBND tỉnh về tình hình cơ sở vật chất tại một số nơi đã quá cũ kỹ và xuống cấp cần được nâng cấp và cải tạo; một số thiết bị chuyên ngành của Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh đã cũ và lạc hậu so thời điểm hiện tại; nên có cơ chế đặc thù cho cán bộ y, bác sĩ tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Các phòng y tế huyện cũng kiến nghị tình trạng bác sĩ, dược sĩ làm công tác quản lý hành chính, không được trực tiếp làm công tác chuyên môn gây lãng phí nhân lực.

Sở Y tế cũng kiến nghị trong việc xã hội hoá, ngành Y tế cần được UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ giá để việc xã hội hoá được thuận lợi hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lưu Quang chia sẻ những khó khăn về cơ sở vật chất cũng như tình trạng thiếu nhân lực hiện nay của ngành Y tế tỉnh nhà; đối với các kiến nghị của đại biểu ngành, văn phòng sẽ tập hợp lại và trình UBND xem xét và giải quyết. UBND tỉnh sẽ xem xét cho ngành Y tế một cơ chế đặc thù để thu hút nhân tài, vì nguồn nhân lực là yếu tố sống còn của ngành y tế hiện nay.

Đối với việc xã hội hoá, Phó Chủ tịch đề nghị cần nhân rộng mô hình này, khi bác sĩ về nghỉ hưu Sở có thể ký hợp đồng lại để các bác sĩ tiếp tục phục vụ trong ngành. Khi các trung tâm y tế, bệnh viện tăng giường bệnh cần làm hồ sơ báo cáo trình lên UBND tỉnh xem xét.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây