Phụ nữ Tây Ninh: Đa dạng các hình thức giúp nhau phát triển kinh tế

Thứ hai - 12/06/2017 16:00 123 0
Thời gian qua, Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh Tây Ninh đã có nhiều việc làm thiết thực, sáng tạo để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.

​Tận dụng địa hình sông nước tự nhiên, nhiều chị em phụ nữ sống ven sông Vàm Cỏ Đông ở ấp Phước Trung, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng chọn nghề nuôi cá để phát triển kinh tế gia đình. Ở ấp Phước Trung, số hội viên phụ nữ chuyên sống bằng nghề nuôi cá đã kết hợp với nhau thành “Tổ phụ nữ nuôi cá trong ao” để chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong lao động tăng gia sản xuất.

Tổ phụ nữ nuôi cá trong ao ấp Phước Trung có 12 thành viên. Theo lời chị Lê Thị Thật, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Chỉ, các chị em phụ nữ trong tổ trước đây chủ yếu nuối cá trong vèo trên sông. Thế nhưng mấy năm trở lại đây nhận thấy việc nuôi cá trực tiếp trên mặt nước sông gặp nhiều rủi ro do cá chết rất nhiều, các chị đã cùng nhau chuyển sáng hình thức nuôi các trong vèo đặt tại ao nhà. Hỗ trợ nhau cùng theo đuổi nghề này, nhiều chị em có được công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Mô hình Tổ “Phụ nữ giúp nhau vượt khó” ấp Bông Trang, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu là một điển hình trong việc giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn có vốn làm ăn.  Để có nguồn vốn giúp chị em, Hội LHPN xã vận động mạnh thường quân cho mượn không tính lãi 10 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, Tổ giúp cho 5 chị mượn, mỗi chị 2 triệu đồng, trả góp hằng tháng (200.000 đồng/tháng). Từ đó các chị có vốn làm ăn tăng thêm thu hập tích cực vận động giúp cho những chị em có gặp khó khăn trong cuộc sống. Cũng cách làm trên, mô hình “Tổ phụ nữ giúp nhau vượt khó” của chị hội Phụ nữ ấp Phước Hội B, xã Phước Thạnh ra mắt với 37 thành viên, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần vào ngày 10. Trong buổi ra mắt, Tổ đã vận động mạnh thường quân và các hội viên ủng hộ cho mượn tiền không tính lãi được 20 triệu đồng, giúp cho 10 chị, mỗi chị 2 triệu đồng làm vốn. Sau đó, Tổ tiếp tục vận động các thành viên ủng hộ và xem xét hỗ trợ cho những hộ khó khăn. Đến tháng 10/2016, tổng số tiền Tổ đã vận động được 64,34 triệu đồng giúp cho 30 chị có hoàn cảnh khó khăn có vốn sản xuất và buôn bán nhỏ.  Tính đến nay, trên địa bàn huyện Gò Dầu đã thành lập được 8 Tổ “Phụ nữ giúp nhau vượt khó”. Ban điều hành tích cực vận động mạnh thường quân và các thành viên trong tổ hỗ trợ vốn để giúp cho những chị em còn gặp khó khăn trong cuộc sống.

Nhằm phát huy ngành nghề truyền thống ở địa phương, góp phần ổn định và mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu; đồng thời tạo điều kiện cho những hộ làm bánh tráng đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất, Ban Thường vụ Hội Liên Hiệp phụ nữ xã Phước Đông, huyện Gò Dầu thành lập Tổ hợp tác bánh tráng ấp Phước Đức B gồm có 9 thành viên do bà Nguyễn Thị Tốt (SN 1955) làm Tổ trưởng. Đây là tổ hợp tác bánh tráng thứ tư trên địa bàn xã. Các thành viên tham gia mô hình tổ vẫn sản xuất theo từng hộ gia đình, nhưng có sự hợp tác hỗ trợ nhau về kỹ thuật, thị trường tiêu thụ sản phẩm , kinh nghiệm trong các công đoạn của quy trình bánh tráng. Ngoài ra, các chị còn đóng góp tiết kiệm để tạo nguồn vốn giúp nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hay như mô hình “Tổ phụ nữ đầu công” của HLHPN của ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành với 16 thành viên đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho hội viên, nhất là những hội viên nghèo. “Tổ phụ nữ đầu công” hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên dưới sự điều hành của Hội LHPN xã. Nhiệm vụ của tổ là tìm những hộ nông dân trong xã sản xuất lua, mì, mía, ớt, nấm rơm..có nhu cầu lao động, tổ nhận và phân công các thành viên trong tổ thực hiện. Tuy mới ra đời, nhưng tổ đã giúp các thành viên được 875 ngày công lao động, thu nhập thấp 150.000 đ/ngày/chị, cao nhất 250.000 đ/ngày/chị. Bên cạnh đó, tổ còn vận động các thành viên góp vốn xoay vòng giúp nhau không tính lãi, mỗi tháng 200.00 đ/thành viên; giúp đỡ cho 3 thành viên vay 90 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.

Còn mô hình “Tổ phụ nữ tôn giáo thực hiện phương châm sống tốt đời đẹp đạo” của Hội LHPN phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh ra đời với 40 thành viên cũng đã giúp đỡ phần nào cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tháng, các thành viên trong Tổ tiết kiệm tiền chi tiêu đóng góp được 2.000.000 đồng, phối hợp cùng với Ban từ thiện Họ đào Cao đài của phường trợ giúp cho 21 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, mỗi phần quà trị giá 150.000 đồng gồm gạo, mì và các thực phẩm thiết yếu.

Có thể thấy hiệu quả từ việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình ngày càng khẳng định rõ vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong thời gian qua. Với nhiều cách làm sáng tạo, Hội phụ nữ đã trở thành chỗ dựa vững chắc của chị em trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân tương ái trong các tầng lớp phụ nữ. Từ các phong trào, chương trình hỗ trợ đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em phấn khởi, tự tin vươn lên trong cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Từ đó, thúc đẩy các phong trào hoạt động của hội phát triển mạnh mẽ, tổ chức hội ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây