Cuối tuần qua, trong phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2017, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định, nhiệm vụ quan trọng về điều hành nền kinh tế trong thời gian tới là ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp. Để làm được điều đó, Chính phủ cần kiên trì hai mục tiêu: giảm thâm hụt ngân sách và giữ lạm phát ở mức vừa phải.
Với mục tiêu thứ nhất, đại biểu Phương cho rằng giảm thâm hụt ngân sách đồng nghĩa với việc cắt giảm ở phía chi chứ không phải tăng thu, lạm thu như trong thời gian vừa qua đã làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp và làm xấu đi môi trường kinh doanh.
Giảm chi, cụ thể là chi thường xuyên- đây là bài toán cực kỳ khó do bộ máy hành chính công hiện nay quá cồng kềnh, chi tiêu quá lãng phí. Do đó, việc Chính phủ chỉ đạo tinh giản biên chế là bước đi đúng và phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.
Về vấn đề lạm phát, theo đại biểu Phương, trong những năm qua, mặc dù lạm phát có giảm so với trước đây nhưng tốc độ tăng trưởng cung tiền vẫn còn cao làm cho sức ép lạm phát và nguy cơ mất giá đồng tiền luôn thường trực trong nền kinh tế nước ta.
Vì thế, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá và chính sách kinh tế vĩ mô khác, kiểm soát chặt chẽ liều lượng và thời điểm phát hành trái phiếu Chính phủ và việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Mặt khác, hiện nay, một phần lớn nguồn lực của xã hội chưa được khơi thông, đang tích tụ ở các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm cho khoản vay tại các tổ chức tín dụng chưa được xử lý, gây lãng phí rất lớn. Việc Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về xử lý nợ xấu trong kỳ họp lần này là rất cần thiết nhằm giúp các khoản nợ xấu này sớm được giải phóng, tái tạo nguồn vốn lớn để mở rộng cho vay phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải dùng các biện pháp hành chính khác với lãi suất và tỷ giá để ngăn chặn các nguy cơ, đồng thời kiên quyết gỡ bỏ những điều kiện kinh doanh, giấy phép không cần thiết, tính lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, cũng như cần phải cải thiện tính cạnh tranh thị trường. Đặc biệt là phải giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.
Vấn đề thứ hai về sự phối hợp liên ngành trong quản lý điều hành phát triển KT-XH của ta hiện nay, đại biểu Trịnh Ngọc Phương nhận định, trong nền kinh tế thị trường, không có ngành nào là độc lập mà chúng luôn có sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau.
Do vậy, công tác quản lý, điều hành giữa các ngành cần có sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên đều đặn thì mới đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đặt ra.
Từ hoạt động giám sát của mình về công tác phối hợp liên ngành, đại biểu Phương cho rằng, thực tế trong quản lý điều hành xảy ra rất nhiều sự kiện, tình huống xấu mà không ngành nào muốn chịu trách nhiệm hoặc thậm chí là né tránh, đùn đẩy.
Lý do đưa ra là pháp luật không quy định, không thuộc phạm vi ngành quản lý hoặc chưa có quy chế phối hợp. Như vậy, trong trường hợp xảy ra tổn thất, chỉ đối có tượng trực tiếp chịu tổn thất thiệt thòi.
Từ những bất cập nêu trên, đại biểu Phương kiến nghị Chính phủ cần ban hành nghị định về cơ chế phối hợp liên ngành, trong đó quy định khung định hướng cho cơ chế liên ngành, tạo điều kiện xây dựng quy chế phối hợp có sự ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau trong thi hành công vụ, đồng thời có chính sách đặc thù cho cơ chế liên ngành để phát huy vai trò của các cơ quan liên ngành trong quản lý điều hành giữa các ngành, tạo sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên đều đặn nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đặt ra, kể cả các địa phương giáp ranh trong phối hợp xử lý các vấn đề liên quan.
Theo Báo Tây Ninh Online