Cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm, cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu

Thứ sáu - 09/06/2017 10:00 99 0
Hôm 7.6, Quốc hội khoá XIV tiếp tục phiên làm việc của kỳ họp thứ 3, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ sự tán thành, ủng hộ với chủ trương sớm ban hành Nghị quyết về giải quyết xử lý nợ xấu nhằm góp phần lành mạnh hóa hệ thống tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm, cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV- Ảnh: quochoi.vn

Có ý kiến đại biểu yêu cầu xác định rõ khái niệm về nợ xấu, xác định nợ xấu là gì thì mới có thể xử lý được nó. Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng khái niệm về nợ xấu trong nghị quyết phải được coi là “linh hồn” của nghị quyết, đề nghị Quốc hội nên xem xét quy định thật cụ thể về vấn đề nợ xấu mà không nên quy định uỷ quyền cho ngân hàng xác định nội dung này.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), bên cạnh các tổ chức tín dụng, ngân hàng, đại biểu Phạm Phú Quốc (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung quỹ đầu tư phát triển địa phương, vì quỹ này cũng hoạt động như tổ chức tín dụng và cũng có nợ xấu.

Về quyền thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7), ở nội dung phải có thỏa thuận và quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng điều này chỉ đúng khi hợp đồng được ký trước khi Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, vì theo Điều 301 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao lại cho bên nhận bảo đảm để xử lý.

Việc quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo tại Điều 7 của Dự thảo nghị quyết như trên mới chỉ thể hiện được việc bảo vệ quyền, lợi ích của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu mà không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân và đặc biệt là của người thứ ba có liên quan đến tài sản đang đảm bảo, không phù hợp và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Do đó, quy định này cần được nghiên cứu xem xét đến yếu tố đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, ngoài nguyên tắc như trong tờ trình, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, tránh chuyển chéo nguồn trong xử lý nợ xấu, vì nó liên quan đến hệ thống tín dụng nhân dân, cho nên phải nêu rõ nguyên tắc này. Đồng thời, với xử lý nợ xấu, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm, cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu để công khai, minh bạch và nhân dân đồng tình cao trong quá trình xử lý.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị cần thể hiện rõ nét hơn cơ chế thị trường trong xử lý nợ xấu. Nghị quyết có lẽ còn thiếu các quy định về cơ chế bán đấu giá tài sản trong mua bán các khoản nợ, chưa cụ thể hóa cơ chế thỏa thuận giữa các bên liên quan trong xử lý tài sản, trong định giá tài sản và đặc biệt là cơ chế về giải quyết tranh chấp.

Theo nghị quyết này, không giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án, vậy thì trong trường hợp phát sinh các tranh chấp sẽ xử lý như thế nào cũng là vấn đề cần thể hiện rõ.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng vấn đề thanh tra, kiểm tra giám sát và chế độ báo cáo chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Nghị quyết. Với lộ trình 5 năm thực hiện,  để đảm bảo hiệu quả thực thi, cần thiết có vai trò của các cơ quan thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào trong dự thảo nghị quyết những quy định liên quan đến thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm của các cơ quan chức năng để thực hiện nghị quyết này. Đồng thời đề nghị, cùng với việc báo cáo hằng năm về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng cần có những báo cáo về quá trình tổ chức thực hiện, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và để từ đó có những biện pháp xử lý trong toàn bộ 5 năm chúng ta tổ chức thực hiện…

Hôm nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật thủy lợi; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây