Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, dịch bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện vào đầu tháng 10/2020. Đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số 60.176 con gia súc mắc bệnh và 9.539 con gia súc chết và tiêu hủy. Dịch bệnh CDNC xảy ra nặng ở một số tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và nguy cơ tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Bởi, thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Mấy phát biểu tại điểm cầu tỉnh
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Mấy cho biết, năm 2020, giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh đạt 4.258 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2019, tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chiếm 16,6%. Tỉnh hiện có 11.000 con trâu, 100.000 con bò, 13.591 con bò sữa, 197.315 con heo, 7.150.000 con gia cầm. Cơ cấu chăn nuôi đang tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 650 trang trại gia súc với tổng đàn 153.980 con; 109 trang trại gia cầm với 5.407.188 con. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm. Dịch bệnh VDNC cũng chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, tỉnh cũng chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch, chủ yếu là ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đảm bảo "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng chăn nuôi, các địa phương cần sớm phê duyệt kinh phí, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC. Từ thực tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trong thời gian qua cho thấy, nếu các địa phương thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn gia súc thuộc diện tiêm thì có thể góp phần ngăn chặn dịch bệnh.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cần tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định; có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh VDND, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% số gia súc thuộc diện tiêm. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc môi trường. Bên cạnh đó cần tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu bò và các sản phẩm từ trâu bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò qua biên giới không rõ nguồn gốc.
ML