Phấn đấu đến cuối năm 2015 có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khả năng đạt 13 xã, còn 4 xã phấn đấu, cụ thể có 07 xã đạt chuẩn năm 2014 giữ vững 19 tiêu chí; 06 xã hoàn thành 19 tiêu chí, gồm: Long Khánh (Bến Cầu), Thanh Điền (Châu Thành), Long Thành Bắc (Hòa Thành), Phước Đông (Gò Dầu), Chà Là (Dương Minh Châu), An Hòa (Trảng Bàng); 04 xã: Tân Lập (Tân Biên), Tân Hưng (Tân Châu), An Bình (Châu Thành), Long Phước (Bến Cầu) phấn đấu hoàn thành đạt 19 tiêu chí hoặc đạt thêm từ 3 - 5 tiêu chí; 63 xã còn lại tăng thêm từ 1-3 tiêu chí.
Các giải pháp chính là tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới"; vận động, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới.
Quán triệt quan điểm: chỉ đạo, triển khai Chương trình đồng bộ ở tất cả các xã; đối với việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện, vốn trái phiếu Chính phủ chú ý ưu tiên cho các xã khó khăn, xã biên giới, tránh việc phân bổ bình quân hoặc chỉ phân bổ vốn cho các xã điểm.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình ở các cấp, dự kiến hoàn thành sơ kết 5 năm trước khi tổ chức Đại hội Đảng. Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020 phải được bàn bạc đưa vào Nghị quyết.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng xã nông thôn mới phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện và khả năng bố trí, huy động nguồn lực của địa phương
Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân. Mỗi xã chọn một hoặc một nhóm từ 2-3 sản phẩm chủ lực có thị trường để xây dựng phương án sản xuất trên diện rộng.
Tạo chuyển biến thực tế về trang trại, hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp-nông dân; mỗi xã điểm có 1 HTX làm ăn hiệu quả, có liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm chủ lực đã được chọn trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới và yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia, hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chú trọng phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân như: giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, môi trường,.. đảm bảo chất lượng các tiêu chí đã đạt của các xã; triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp của xã nông thôn mới và các xã khác trên địa bàn huyện, thành phố.
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực của Ban chỉ đạo các cấp và thành lập Văn phòng điều phối cấp huyện, bố trí công chức xã chuyên trách nông thôn mới theo Quyết định 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát: Ban chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể các thành viên, các ngành, các cấp chủ động bám sát cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai, nhất là ở các xã điểm. Nội dung kiểm tra giám sát: cách thức và hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực của cộng đồng và chất lượng thi công các công trình.
Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung Chương trình, nhất là các nội dung tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân.
VT