Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương phát biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII đang diễn ra tại Hà Nội. |
Có một thực tế không thể không thừa nhận: hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều vấn đề- như lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã phát biểu tại hội trường trong phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp: “Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới”! Xung quanh công tác xây dựng pháp luật, phóng viên Báo Tây Ninh đã thực hiện cuộc phỏng vấn với ông Trịnh Ngọc Phương- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh với nội dung như dưới đây.
- Xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật là hai mặt hoạt động cơ bản của nền quản trị quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng các bộ luật của nước ta chưa cao, tính ổn định của nhiều bộ luật còn thấp, bằng chứng là hầu như kỳ họp nào của Quốc hội cũng phải sửa đổi, bổ sung luật. Ông có ý kiến gì về vấn đề này, thưa ông?
Đất nước ta sau thời kỳ bao cấp đã chuyển mình sang thời kỳ đổi mới, thời kỳ kinh tế thị trường định hướng XHCN, đây là mô hình kinh tế mới mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn một cách đúng đắn cho toàn dân tộc. Có thể nói thêm đây là mô hình kinh tế trên thế giới chưa có nước nào làm, do đó chúng ta vừa phát triển kinh tế xã hội vừa bước những bước tới đâu vững chắc tới đó. Theo đó, pháp luật cũng phải phù hợp cho từng lúc, từng thời điểm, từng giai đoạn. Cho nên, vấn đề phóng viên đặt ra “chất lượng các bộ luật của nước ta chưa cao, tính ổn định của nhiều bộ luật còn thấp, hầu như kỳ họp nào của Quốc hội cũng phải sửa đổi, bổ sung luật”, theo tôi đó là điều tất nhiên. Sắp tới đây chúng ta còn phải tiếp tục sửa đổi luật cho phù hợp hơn với việc hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sau khi Hiến pháp sửa đổi 2013 được thi hành để hệ thống luật của chúng ta phù hợp với Hiến pháp, với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
- Có một số ý kiến cho rằng, chất lượng của một số bộ luật được ban hành trong mấy năm qua chưa cao có phần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Nhiều vị đại biểu Quốc hội có khi chưa hiểu hết nội dung của một dự luật nhưng vẫn “bấm nút thông qua”. Có vị cán bộ cấp cao của Đảng còn bình luận rằng luật pháp nước ta nhiều khi “mơ mơ màng màng, hiểu thế nào cũng được”. Ông có đồng tình với nhận định vừa nêu không, vì sao?
Như tôi nói ở trên, phát triển kinh tế xã hội cần phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vì thế có những vấn đề có thể đại biểu Quốc hội cũng chưa lường được hết. Tuy nhiên, nếu nói rằng tính hiệu quả của luật thấp có một phần trách nhiệm của đại biểu Quốc Hội- do chưa nắm vững dự luật vẫn “bấm nút thông qua” thì chưa hẳn đúng. Bởi vì, công việc làm luật hiện nay cơ bản là luật nào liên quan đến ngành, bộ nào thì ngành, bộ đó chủ trì. Do đó tính chủ quan trong từng luật liên quan đến bộ, ngành chủ quản là không thể tránh khỏi. Các vị đại biểu Quốc hội chỉ công tác trên một số lĩnh vực nên không thể bao quát hết toàn bộ các vấn đề phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực tế trong thời gian qua, Quốc hội đã có những cải tiến rất hay, đó là cho phép đại biểu Quốc hội thuê các chuyên gia để góp ý các dự án luật, từ đó đã có những chuyển biến rõ rệt trong cách làm luật của ta hiện nay. Ở chừng mực nào đó, tôi cho rằng các đại biểu Quốc hội đã cố gắng hết sức và cũng đã hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của mình trước cử tri trong vấn đề nghiên cứu hoàn thiện các luật.
- Vừa qua, có một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng- còn gọi là “đại án” được đưa ra xét xử. Theo dõi nội dung các vụ án này có thể thấy một thực trạng: nhiều bộ luật, đặc biệt là luật liên quan đến kinh tế, tài chính, ngân hàng, tín dụng còn không ít kẽ hở và đã bị lợi dụng. Với tư cách là người có nhiệm vụ và quyền hạn tham gia lập hiến, lập pháp ông lý giải thế nào về những kẽ hở này, đồng thời theo ông, liệu có “bịt kín” được các kẽ hở ấy không?
Kinh tế đất nước ta còn rất nhiều khó khăn, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta đang thực hiện về nguyên tắc cơ bản thì có nhưng mô hình như thế nào còn đòi hỏi ở sự sáng tạo, tính chủ động của nhân dân ta. Mô hình này vốn không sẵn có trên thế giới để chúng ta học hỏi, rút kinh nghiệm. Vì thế không riêng gì các luật liên quan đến kinh tế, tài chính, ngân hàng mà nhiều bộ luật khác cũng vậy. Mặt khác, không riêng gì nước ta mà rất nhiều nước trên thế giới cũng có những lỗ thủng về pháp luật, từ đó dẫn đến những vụ án “khủng” liên quan đến tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, không phải cứ sự cố liên quan đến ngành, lĩnh vực nào thì cứ đổ lỗi cho pháp luật của ngành đó có kẽ hở. Vấn đề đặt ra là con người và quản trị con người cũng như cái tâm của người quản lý; dù pháp luật có hoàn chỉnh đến đâu đi nữa mà con người cứ cố tình lợi dụng, thông đồng cấu kết nhau để vi phạm thì pháp luật vẫn bị lợi dụng. Do đó chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục có những đạo luật để chế tài, quản lý cũng như trừng trị thích đáng những kẻ vi phạm pháp luật- đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
- Để đưa luật vào cuộc sống phải qua một quy trình khá rườm rà; sau luật phải có nghị định, dưới nghị định lại còn thông tư. Ban hành thông tư xong thì còn phải tổ chức tập huấn... Có cách nào đó chăng, để luật trực tiếp đi vào cuộc sống, không qua hoặc giảm các khâu trung gian, thưa ông?
Thực tế khi tham gia góp ý xây luật, nhiều đại biểu Quốc hội đã thấy rõ vấn đề này. Từ các khoá trước đến khoá này, các đại biểu Quốc hội đã nhiều lần góp ý với bộ, ngành, ban soạn thảo các dự án luật cần giảm bớt tình trạng trình dự thảo luật mang tính luật ống, luật khung để rồi sau đó triển khai dưới các hình thức nghị định, thông tư... Đến nay tình trạng này đã giảm rất nhiều.
- Trong thời gian qua, dư luận than phiền rằng nội dung của nhiều văn bản dưới luật xa rời cuộc sống, thiếu tính thực tiễn, lắm khi vừa ban hành xong đã phải rút lại. Cũng có nhận định nước ta có quá nhiều… nghị quyết. Là đại biểu Quốc hội, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Vừa qua, tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các đại biểu Quốc hội có đặt vấn đề này, Bộ trưởng cũng đã nhìn nhận thực tế ấy và đã kịp thời chấn chỉnh. Tôi cho rằng đây cũng có phần lỗi của các bộ, ngành chủ quản khi kiểm tra, kiểm soát các văn bản pháp lý chưa thật chặt chẽ. Điều này liên quan đến bộ phận pháp chế của các bộ, ngành khi tham mưu cho lãnh đạo về pháp luật. Tại buổi chất vấn nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nêu ra các vấn đề về củng cố, tăng cường biên chế bộ phận pháp chế cho các bộ, ngành cũng như ở địa phương. Trong giai đoạn sắp tới khi chúng ta hội nhập sâu với kinh tế thế giới thì hệ thống pháp luật, hệ thống thể chế của chúng ta chắc chắn sẽ có những bước đột phá theo nghị quyết của Đảng, tinh thần của Hiến pháp mới sửa đổi, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ. Qua đó, tôi nghĩ sẽ bảo vệ được quyền dân chủ cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Riêng về nhận định nước ta có quá nhiều nghị quyết thì tôi không đồng tình, thống nhất vì thực tế nghị quyết là một thể thức văn bản điều hành công việc rất hiệu quả và khả thi. Thời đại kinh tế toàn cầu, giao tiếp trong thế giới phẳng như hiện nay khó mà lường được những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến sự an nguy của quốc gia, của đời sống nhân dân. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết để điều hành đất nước, điều chỉnh những bất cập liên quan đến luật là cần thiết. Vấn đề không phải là nghị quyết nhiều hay ít mà là chúng ta có thực hiện kịp thời những điều nghị quyết đặt ra hay không.
- Thưa ông, vừa qua chính quyền một số tỉnh, thành đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất sau khi họ bị kẻ xấu lợi dụng tình tình hình biển Đông để phá hoại nhằm trục lợi cá nhân. Trong đó có việc rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư trong vòng một ngày (thay vì 10 ngày như trước). Điều này phải chăng đã chứng minh rằng cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi cơ chế không phải quá khó, chỉ khó ở chỗ các cơ quan hữu quan có tích cực cải cách hay không? Ông có thấy thế, thưa ông?
Trước hết, tôi đồng tình rằng cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi cơ chế không phải là quá khó; chỉ cần chúng ta thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị thì sẽ thành công. Đây là một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra. Thực tế, thời gian qua các nhà đầu tư vẫn than phiền về thủ tục hành chính của ta còn quá rườm rà. Tuy nhiên, thời gian sắp tới, khi công tác cải cách thủ tục hành chính đạt yêu cầu đề ra, tôi cho rằng những hạn chế đó sẽ không còn tồn tại. Để khắc phục những yếu kém trong giải quyết thủ tục hành chính, tại kỳ họp thứ 7 này và cho đến cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét các luật về tổ chức, luật về kinh doanh đầu tư để đổi mới kinh tế, phát triển đất nước như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... trên tinh thần giảm tối đa các thủ tục hành chính. Qua đó, sẽ tiếp tục có những bước đột phá trong đổi mới hệ thống pháp luật, giúp cho nền hành chính quốc gia, thủ tục hành chính quốc gia được công khai minh bạch, thể hiện rõ đâu là thẩm quyền của Nhà nước, đâu là thẩm quyền của nhân dân.
Xin phép đặt một câu hỏi cuối, ông có thể cho biết tại kỳ họp Quốc hội lần này, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh có những đóng góp cụ thể nào trong công tác xây dựng pháp luật?
Trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã hoạt động rất tích cực, từ thảo luận tổ cho đến thảo luận ở hội trường. Nhiều ý kiến của các thành viên trong đoàn rất xác đáng, được đoàn thư ký ghi nhận, tiếp thu để chỉnh sửa, bổ sung cho nhiều dự án luật. Từ đây đến cuối kỳ họp, Đoàn cũng sẽ tiếp tục hoạt động này theo chương trình đề ra của kỳ họp.
- Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
Theo BTNO
* Tựa bài do Toà soạn đặt.