Đây là xã được tỉnh chọn làm điểm tổ chức chiến dịch, sau đó các xã/thị trấn thuộc huyện Trảng Bàng và toàn tỉnh đồng loạt triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết năm 2017.
Tại buổi lễ, bác sĩ Nguyễn Văn Giàu- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bàng đã thông báo tình hình bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, các nước Asean, tại Việt Nam và Tây Ninh. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, huyện Trảng Bàng có số ca bệnh cao nhất so với các huyện trong tỉnh và đang có nhiều diễn biến phức tạp trong mùa mưa năm nay.
Các hoạt động diễn ra trong chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết” bao gồm: nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác chỉ đạo phòng, chống sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình ký cam kết diệt lăng quăng và huy động cộng đồng cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường xung quanh. Hàng tuần hãy dành thời gian diệt muỗi bằng các biện pháp đơn giản như thả cá vào dụng cụ chứa nước, thường xuyên kiểm tra, loại bỏ các vật chứa nước đọng, thu dọn các vật phế thải chung quanh nhà và chủ động phòng chống muỗi đốt...
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2017, số ca mắc sốt Dengue/ Sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD) là 714 ca, tăng 243 ca, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước (471 ca). Các địa phương có số ca mắc SXH cao: Trảng Bàng (214 ca), Thành phố (99 ca), Gò Dầu (71ca), Dương Minh Châu (69 ca), Châu Thành (64 ca). Toàn tỉnh không có ca tử vong do SXH, giảm 1 ca so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Báo Tây Ninh Online