Quê hương, 40 năm nghĩa nặng tình sâu

Thứ hai - 04/05/2015 12:00 200 0
Trải qua 40 năm xây dựng, phát triển, quê hương Tây Ninh ngày nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt và đang vươn lên mạnh mẽ. Kinh tế tỉnh nhà liên tục phát triển, bình quân giai đoạn 2010-2015 tăng 10,5%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá. Toàn tỉnh đã thu hút được 558 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 2.800 triệu USD và 36.855 tỷ đồng. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh, đóng góp đến 35% vào giá trị tăng trưởng chung của nền kinh tế.

bon muoi 1.jpg

Tổng duyệt chương trình nghệ thuật trong Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Tây Ninh.

Thấm thoát lại đến ngày 30 tháng Tư. Mà lại là ngày 30 tháng Tư lần thứ 40. Thời gian đủ cho sinh linh bé bỏng sinh ra trong dinh quận Phú Khương, do hai vị bác sĩ nổi tiếng của Tây Ninh, Huỳnh Khắc Khiêm và Lê Công Mạnh "mổ bắt con" đêm Đại thắng mùa xuân năm ấy trở thành một bà mẹ đã quá xuân thì.

Những người lớn tuổi ở xã Hiệp Tân (Hoà Thành) và phường IV (TP Tây Ninh) vẫn còn nhớ chuyện ông Chín Ngon, Trương Hoàng Ngon - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 26 của lực lượng vũ trang cách mạng vừa tiếp quản quận Phú Khương đã đến tận nhà hai ông bác sĩ trong đêm 30 tháng Tư để nhờ hai ông đến giúp một sản phụ đang quằn quại đau đẻ ngoài hàng rào dinh quận.

Rồi vài năm sau đó, người dân Tây Ninh được hưởng niềm vui hoà bình chưa được bao lâu thì pháo hạng nặng từ bên kia biên giới của bọn diệt chủng Pôn Pốt lại rót sang bất kể đường phố, khu dân cư hay cánh đồng nằm sâu trong nội địa.

Và những tin tức tang thương từ các địa phương vùng biên giới truyền đi về việc hàng trăm dân thường vô tội ở Tân Biên, Bến Cầu bị bọn chúng tàn sát dã man. Một lần nữa những người con Tây Ninh lại lên đường cầm súng bảo vệ biên cương Tổ quốc và giúp dân tộc anh em ở nước láng giềng thoát hoạ diệt chủng.  

Mãi đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Tây Ninh mới thực sự có hoà bình để bắt tay vào xây dựng quê hương. Ngày 29.4.1981, đại công trường thuỷ nông Dầu Tiếng mở ra gần như khắp địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Những năm ấy, hầu như không một người dân trong độ tuổi lao động nào mà không lên công trường. Để rồi 5 năm sau công trình Dầu Tiếng với 27.000 ha mặt hồ, chứa 1,5 tỷ m3 nước và hàng ngàn km kênh mương đã hoàn thành, đưa dòng nước ngọt lành về tưới mát đồng xanh, không chỉ ở Tây Ninh, mà còn sang tận các tỉnh, thành phố lân cận.

Có thể nói, công trình thuỷ nông Dầu Tiếng là thành tựu lớn nhất, có ý nghĩa nhất từ sau ngày 30.4.1975 đối với đất và người Tây Ninh, biến một vùng đất đai cằn cỗi "nắng cháy da người" thành những cánh đồng trù phú với các loại cây trồng thế mạnh phát triển nhanh chóng, trở thành những vùng chuyên canh rộng lớn, tạo ra khối lượng nông sản nguyên liệu mía, mì, cao su, đậu phộng lớn nhất nhì trong nước.

Với cơ sở hạ tầng đầu tiên ấy, Tây Ninh bắt đầu khởi động chiến lược đầu tư nông nghiệp, nông thôn. Và cho đến hôm nay, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa nông thôn và đô thị đã thu hẹp đáng kể. Không chỉ có điện, thuỷ lợi, đường giao thông phủ khắp mọi miền, mà những tiện nghi hiện đại của thời đại thông tin cũng vươn tới vùng sâu vùng xa.

Bây giờ có lẽ cái chỉ tiêu "số máy điện thoại trên 100 dân" không còn phù hợp, mà phải hỏi là "mỗi người Tây Ninh đang dùng mấy máy điện thoại di động". Hay là cần đặt ra cái chỉ tiêu mới "số máy vi tính, máy tính bảng, máy truyền hình internet trên 100 dân" mới phù hợp.

Điều này đặt ra có thể sẽ có ý kiến cho rằng người viết chủ quan. Xin thưa, đó không phải là nhận định riêng của người viết. Nếu ai còn hoài nghi xin cứ vào trang web của tổ chức điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh pcivietnam.org do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ phối hợp tổ chức mà xem. Chính các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI đã chấm điểm cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Tây Ninh là hai địa phương có cơ sở hạ tầng rất tốt.

Dù sao, những nét phác hoạ kể trên cũng chưa phải là toàn diện và chưa thể khái quát hết 40 năm phát triển của tỉnh nhà. Vì thế xin nêu lên ở đây những số liệu thống kê chính thống từ các cơ quan chức năng công bố.

Trải qua 40 năm xây dựng, phát triển, quê hương Tây Ninh ngày nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt và đang vươn lên mạnh mẽ. Kinh tế tỉnh nhà liên tục phát triển, bình quân giai đoạn 2010-2015 tăng 10,5%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá.

Toàn tỉnh đã thu hút được 558 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 2.800 triệu USD và 36.855 tỷ đồng. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh, đóng góp đến 35% vào giá trị tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bộ mặt nông thôn, đô thị được xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp ngày càng khang trang, văn minh, sạch đẹp; Thị xã Tây Ninh nay đã trở thành thành phố thuộc tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ gắn tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá - xã hội, mức sống của nhân dân trong tỉnh ngày càng được cải thiện, năm 2014, thu nhập bình quân đầu người trong một năm đạt 2.383 đô-la Mỹ.

100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 25% đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Hiện có 7 bác sĩ, dược sĩ và 22,7 giường bệnh trên một vạn dân, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị ngành Y tế được tăng cường đầu tư.

An sinh xã hội được bảo đảm, số hộ nghèo giảm còn 3,27%, số hộ giàu ngày càng tăng lên. Các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo, hiến máu nhân đạo... đã trở thành phong trào sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan toả lớn. Quốc phòng-an ninh được bảo đảm, trật tự-an toàn xã hội được giữ vững.

bon muoi 2.jpg

Công trình biểu trưng Tây Ninh chào mừng 40 năm giải phóng Tây Ninh.

Những thành tựu đạt được nêu trên luôn gắn liền với sự hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo của Đảng bộ Tây Ninh qua các thời kỳ. Đảng bộ luôn chú trọng thực hiện công tác xây dựng Đảng, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ngày đi vào chiều sâu, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hoạt động của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể nhân dân từng bước được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc; quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và phát huy ngày càng tốt hơn.

Dù vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, nhưng chúng ta có quyền tự hào, khẳng định rằng: Những thành tựu đạt được sau 40 năm giải phóng, gần 30 năm đổi mới của tỉnh nhà là to lớn, cơ bản và toàn diện; mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đã và đang từng bước hiện thực hoá.

Đó là sự đóng công, góp sức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, của giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, các dân tộc, các tôn giáo, doanh nhân, các tổ chức, cá nhân một lòng đi theo Đảng, đoàn kết, đồng cam cộng khổ, anh dũng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; trong công cuộc đổi mới đã năng động, sáng tạo, cùng làm nên những thành tựu vẻ vang để quê hương Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện như hôm nay.

Nhìn lại chặng đường 40 năm với những điều đổi thịt thay da trên quê hương Tây Ninh, có thể có người còn hoài nghi, thắc mắc, băn khoăn cả những điều đã làm được cũng như những điều chưa làm được.

Nhưng chắc chắn rằng, ai cũng phải nhìn nhận rằng cuộc sống hôm nay của mỗi người, mỗi gia đình đã hoàn toàn khác xưa, ổn định hơn, đầy đủ hơn. Và đó chính là thành tựu của nghĩa nặng tình sâu, của lòng yêu quê hương như thuở còn lầm than cơ cực.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây