Quan tâm tới công tác cán bộ nữ

Thứ hai - 07/10/2013 00:00 56 0
Bình đẳng giới luôn là mục tiêu quan trọng và nhất quán được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện trong những năm qua. Đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng cán bộ nữ, thể hiện qua nhiều nghị quyết, chỉ thị được ban hành.

 

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong 3 khâu đột phá quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó chỉ đạo các chỉ tiêu về cán bộ nữ cần đạt được vào năm 2020. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, trong đó mục tiêu 1 về “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, trong đó có dự án 3 về “Nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp; nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, nữ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch”.

 Những văn bản chỉ đạo nêu trên cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trong đó có mục tiêu về tăng tỷ lệ cán bộ nữ. Như vậy, có thể nói, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó bao gồm phát triển nguồn nhân lực nữ, lực lượng hiện chiếm hơn 50% dân số và khoảng 48% lực lượng lao động xã hội là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã đặt ra.

Kết quả thực hiện bình đẳng giới của nước ta được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập. Việt Nam được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới, trong đó có nỗ lực tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị: Việt Nam là quốc gia có số lượng nữ đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ cao trong khu vực (nhiệm kỳ XIII đạt 24,4%) và đứng thứ 43/143 quốc gia trên thế giới. Kết quả tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 là 25,17%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, thị xã là 24,62%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn là 21,71%.

Tính đến hết tháng 2/2013, có 14/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt, chiếm tỷ lệ 46,6%; có 23/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nữ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, đạt tỷ lệ 36,5% (giảm 1,59% so với năm 2011). Cũng trong nhiệm kỳ 2011-2016, tỷ lệ nữ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 4,76% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ 2004-2009, trước khi có Luật Bình đẳng giới); cấp huyện là 6% (tăng 2,1%); cấp xã là 5,67% (tăng 1,58%); tỷ lệ nữ giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 19,05% (giảm 7,51%); cấp huyện 14,09% (giảm 5,55%); cấp xã là 13,06% (tăng 3%). Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có 2 ủy viên Bộ Chính trị là nữ.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận những vấn đề còn tồn tại và thách thức. Với truyền thống văn hóa Á Đông, phụ nữ Việt Nam đang còn chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu, vai trò giới truyền thống, phụ nữ được trông đợi như một nhân lực chính để duy trì gia đình và chăm sóc con cái hơn là tham gia các hoạt động xã hội. Chính điều này đã phần nào hạn hế sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực và tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Mặc dù đội ngũ cán bộ nữ đã tăng cả về chất lượng và số lượng nhưng còn thấp so với nam giới và chưa tương xứng với tiềm năng và đông đảo lực lượng lao động nữ cả nước. So với quốc tế, tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý của nước ta nằm trong số ít nước có tỷ lệ cao tuy nhiên thứ bậc đang có xu hướng giảm sút so với các nước trong cùng khu vực và trên thế giới (do nước bạn có sự chuyển biến mạnh hơn về tỷ lệ này). Nếu như nhiệm kỳ trước, Việt Nam có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội dẫn đầu khối 8 nước ASEAN có Nghị viện thì nhiệm kỳ này đứng vị trí thứ 2 (sau CHDCND Lào). Những con số thống kê, tổng kết gần đây cho thấy có nguy cơ không đạt các chỉ tiêu về cán bộ nữ đã đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

MN (ST)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây