Quy định về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025

Thứ ba - 02/07/2019 10:00 212 0
Ngày 28/6/2019, UBND tỉnh Ban hành Quyết định 23/2019/QĐ-UBND quy định về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 07/7/2019 và thay thế Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy mô diện tích tối thiểu cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy định về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Quy định áp dụng cho đối tượng là nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác; Các cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Doanh nghiệp; Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện Quy định này.

UBND tỉnh quy định 07 hình thức liên kết bao gồm: Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đối với mỗi loại hình liên kết, các bên tham gia liên kết ở nội dung nào thì được hưởng chính sách hỗ trợ ở nội dung đó. Các bên tham gia liên kết được hỗ trợ phải đáp ứng đồng thời các điều kiện: phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; Liên kết đảm bảo ổn định đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác từ 01 năm trở lên, thời gian liên kết tối thiểu là 05 năm; Đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác dưới 01 năm, thời gian liên kết tối thiểu là 03 năm; Dự án liên kết hoặc kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp.

UBND tỉnh quy định hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết với mức hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng (chỉ áp dụng đối với xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị mới), trong đó dự án liên kết phạm vi thực hiện trên địa bàn huyện, thành phố được hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án (ngân sách cấp huyện); Dự án liên kết phạm vi thực hiện trên địa bàn tỉnh (từ hai huyện trở lên) hoặc dự án liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức ngoài tỉnh được hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/dự án (ngân sách cấp tỉnh).

Kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết phạm vị cấp huyện được phê duyệt hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/kế hoạch (ngân sách cấp huyện); Kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết phạm vi cấp tỉnh được phê duyệt hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/kế hoạch (ngân sách cấp tỉnh).

Đồng thời, Hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ xây dựng liên kết với mức hỗ trợ 30% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng dự án liên kết, trong đó UBND cấp huyện phê duyệt dự án liên kết phạm vi thực hiện cấp huyện với tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 05 tỷ đồng/dự án, trường hợp dự án liên kết cấp huyện nhưng có mức hỗ trợ trên 05 tỷ đồng thì UBND cấp huyện thẩm định và trình hồ sơ UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; UBND tỉnh phê duyệt dự án liên kết phạm vi thực hiện cấp tỉnh với tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án.

Ngoài phần hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết, các bên tham gia liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện xây dựng mô hình khuyến nông, mức hỗ trợ áp dụng theo định mức chi các hoạt động và kỹ thuật khuyến nông hiện hành; Hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường với mức hỗ trợ áp dụng theo các quy định hiện hành về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác khuyến nông và các quy định hiện hành khác; Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã với Mức hỗ trợ 30% chi phí mua giống, vật tư thiết yếu ở các lĩnh vực: Trồng trọt (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), chăn nuôi và thủy sản (thức ăn, thuốc thú y) phục vụ xây dựng chuỗi liên kết và tối đa 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác dưới 01 năm được hỗ trợ tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm trong thời gian liên kết tối thiểu 03 năm; Sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác từ 01 năm trở lên được hỗ trợ tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm trong thời gian liên kết tối thiểu 05 năm. Ngân sách hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Trong Quyết định, UBND tỉnh còn quy định cụ thể Hồ sơ và trình tự thủ tục hỗ trợ liên kết, lập dự toán kinh phí hỗ trợ liên kết và thanh toán kinh phí hỗ trợ liên kết.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Xem chi tiết Quyết định 23.2019.QD.UBND.pdf.

Tuyết Lan


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây