Quyết tâm cải thiện các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh

Thứ hai - 05/07/2021 18:00 306 0
Được đánh giá bởi những cơ quan độc lập, có thẩm quyền, có uy tín và tin cậy, các chỉ số phản ánh nền hành chính của các địa phương như PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX… đã góp phần đáng kể giúp cho công tác quản lý ở các cấp chính quyền địa phương được thuận lợi, dễ dàng hơn. Đồng thời, các chỉ số này còn cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời cần thiết cho người đứng đầu các cấp chính quyền, để đưa ra những quyết định chỉ đạo, điều hành, quản lý đúng đắn, chính xác nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy những thành quả đã đạt được trong công tác phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Từ đó cho thấy, việc cải thiện các chỉ số nêu trên ở các địa phương nói chung, ở Tây Ninh nói riêng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra.

Kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020

Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, nhìn chung thứ hạng các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh ngày càng giảm so với các tỉnh, thành trên cả nước.

Cụ thể, với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Chỉ số PCI), năm 2020, Tây Ninh xếp hạng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. So với năm 2016, mặc dù về điểm số có tăng (4.03 điểm) nhưng đã giảm 4 bậc so với năm 2016. Từ năm 2016 đến năm 2019, Tây Ninh được xếp vào nhóm Tốt, là một trong 20 tỉnh đứng đầu cả nước. Tuy nhiên đến năm 2020, chỉ số này của Tây Ninh có sự tụt hạng mạnh (giảm 9 bậc so với năm 2019), đáng lo ngại là PCI của Tây Ninh từ nhóm Tốt đã bị giảm xuống nhóm Khá. Năm 2020, Tây Ninh có 3 tiêu chí bị giảm điểm so với năm trước là "Tính minh bạch", "Cạnh tranh bình đẳng" và "Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp". Hai tiêu chí "Tiếp cận đất đai" và "Chi phí thời gian" cơ bản luôn giữ được mức ổn định trên 7 điểm trong các năm qua. Bảy tiêu chí tăng điểm so với năm 2019 nhưng nhìn chung mức tăng điểm của nhiều tiêu chí không đáng kể. Đáng chú ý có hai tiêu chí là "Tính minh bạch" và "Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp" của Tây Ninh thấp hơn mức trung bình của cả nước.


Hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh

Đối với Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI), năm 2020, Tây Ninh xếp hạng thứ 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 31 bậc so với năm 2016, xếp vào nhóm thấp nhất gồm 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số PAPI của Tây Ninh có xu hướng giảm mức xếp hạng nghiêm trọng và đáng lo ngại cho dù cả giai đoạn có tăng 4,48 điểm. Ở những năm 2016 và 2017 xếp ở nhóm "Trung bình cao", tiếp đó giảm xuống xếp ở nhóm "Trung bình thấp" và đến năm 2020 là xếp ở nhóm "Thấp nhất".

Tiêu chí "Thủ tục hành chính công" được coi là thế mạnh của tỉnh đã không còn giữ được mức "Trung bình cao". Đáng lo ngại là có dấu hiệu chững lại và có xu hướng giảm điểm nhẹ trong năm 2019 và năm 2020. Tiêu chí "Quản trị điện tử" bị giảm điểm lớn nhất (chiếm 66,34% tổng số điểm bị giảm của tỉnh trong năm 2020). Đây là nguyên nhân chính làm giảm thứ tự xếp hạng PAPI của tỉnh. So với những năm trước, trong 2 năm gần đây, Chỉ số PAPI của Tây Ninh đã không còn tiêu chí nào được xếp hạng ở mức "Cao nhất". 



Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh

Với Chỉ số Cải cách hành chính (Chỉ số PAR INDEX), năm 2020, trong số 8 lĩnh vực được đánh giá thì Tây Ninh có 2 tiêu chí được đánh giá cao (trên 90%) là công tác chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính; có 4 tiêu chí đạt mức tốt trên 80%; còn lại 2 lĩnh vực được đánh giá thấp (dưới 80%) là Cải cách tổ chức bộ máy hành chính và Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng chỉ số thành phần về "Cải cách tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh", từ năm 2018 đến nay có cải thiện nhưng chậm so với các tỉnh khác, chỉ đạt ở mức khá (năm 2018 đạt 70%, năm 2019 đạt mức 70,8% và năm 2020 đạt 78%). Qua đó cho thấy, giai đoạn vừa qua, điểm chỉ số PAR INDEX của Tây Ninh có tăng. Năm 2020 so với năm 2016 tăng 13,29 điểm; thứ hạng tăng từ 44 lên 27/63 tỉnh, thành.

Với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS) của tỉnh có tăng (tăng 2,14%) nhưng mức tăng chậm. Năm 2020, Chỉ số SIPAS của tỉnh đạt 83,94% và tăng 2,14% so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn giá trị trung bình của cả nước (85,48%). Trong 5 yếu tố cơ bản được khảo sát, thì có 4 yếu tố được đánh giá tốt  (gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; thủ tục hành chính; công chức trực tiếp giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công). Riêng việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị được cá nhân, tổ chức đánh giá rất thấp. Dù đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ X của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền tỉnh là trên 80% nhưng chỉ số này vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Với Chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Chỉ số ICT index), năm 2020, tỉnh đạt hạng 09/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2016 tăng 14 bậc; so với năm 2019, tăng 16 bậc. Qua phân tích cho thấy, ICT index năm 2020 của tỉnh tăng mạnh, lần đầu tiên được lên top 10 của bảng xếp hạng. Điểm số tăng nhẹ 0,087 điểm so với năm 2019, tuy nhiên thứ hạng lại tăng lên 16 bậc.

Các hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập đối với các Chỉ số trong giai đoạn 2016 -2020

Mặc dù giai đoạn 2016 - 2020, các Chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh có đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Các hạn chế, bất cập này đã được UBND tỉnh chỉ ra, chủ yếu tập trung vào 4 nhóm.

Đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh còn ở trình độ thấp, chưa đồng bộ, manh mún và dàn trải. Kế đến là các điểm nghẽn về cấp chủ trương đầu tư, quy hoạch đất đai - xây dựng và giải phóng mặt bằng, đền bù để thực hiện các dự án đầu tư còn lòng vòng, chậm tiến độ, không dứt khoát, dứt điểm, tính công khai, minh bạch chưa cao. Thứ ba là sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải quyết các công việc cho người dân, doanh nghiệp còn chậm. Hạn chế cuối cùng là khi đã phát hiện ra một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có yếu kém, có hạn chế nhưng lại chưa kịp thời xử lý hoặc thay thế.

Các biện pháp duy trì, cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng đối với các chỉ số phản ánh nền hành chính

Trên cơ sở xác định những hạn chế, nguyên nhân, ngày 25/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1364/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số: PCI, PAPI,  PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2021-2025.

Đề án xác định các mục tiêu cụ thể,  giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số PCI thuộc nhóm Tốt; Chỉ số PAPI: thuộc nhóm "Trung bình cao"; Chỉ số PAR INDEX thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính; Chỉ số SIPAS đạt mức độ hài lòng của người dân và tổ chức cao hơn mức trung bình cả nước; Chỉ số ICT INDEX thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh xác định cần tập trung cải thiện các lĩnh vực trong nhóm đạt điểm thấp nhất; nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tư pháp, bảo hiểm y tế; dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, cung cấp điện, nước, giải quyết việc làm, an ninh trật tự, khiếu nại, tố cáo…

Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện ba nhóm giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cải cách hành chính, trong xây dựng đầu tư và cải thiện các Chỉ số Cải cách hành chính

Mỗi CBCCVC của tỉnh trước khi được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại vị trí quản lý từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên phải thực hiện đánh giá sự hiểu biết của bản thân người đó về các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh. Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tổ chức các cuộc thi trực tuyến để đánh giá đội ngũ CBCCVC hàng năm về nội dung này; kết quả đánh giá được gửi các sở (Sở Nội vụ, Ban Tổ chức), các huyện…để coi đó là một trong số tiêu chí trước khi bổ nhiệm nhân sự.

Nâng cao nhận thức của người dân trong nắm bắt và sử dụng các phần mềm, các ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao nhận thức trong việc giám sát, phản ánh đánh giá thực hiện công tác CCHC của các ngành, địa phương: Đổi mới cách thức truyền tải thông tin về các hoạt động CCHC, các thông tin, chính sách của tỉnh và các sở ngành, địa phương đến người dân, doanh nghiệp. Ngoài các cách thức truyền thống, cần thông tin kịp thời qua các mạng xã hội (facebook, zalo,...) hoặc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính trị - xã hội để thông tin được kịp thời, sâu rộng đến nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh. Thông báo công khai các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị để người dân thực hiện giám sát, phản ánh hiện trường các vấn đề khó, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về các nội dung trong giải quyết thủ tục hành chính, xóa bỏ nhận thức về cơ chế "xin - cho", "lót tay"…để được làm trước, làm sớm…

Thứ hai, Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, sử dụng có hiệu quả các phần mềm đã triển khai như Một cửa điện tử, Họp không giấy,...Xây dựng, triển khai Chính quyền điện tử, Chính quyền số tiến tới xây dựng xã hội số, nền kinh tế số. Mở rộng, đa dạng hóa các dịch vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công; xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hiện đại. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hiệu quả Trung tâm Điều hành Kinh tế - xã hội tập trung của tỉnh; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu để kết nối trước hết ở các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, giao thông,... để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, đánh giá chất lượng hoạt động của các ngành, địa phương. Rà soát, hoàn thiện việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đúng thực chất, thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành để tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại từ những năm trước, đặc biệt là về đầu tư, đất đai và xây dựng. Thí điểm thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền đối với việc giải quyết một số TTHC đơn giản, có tần suất lớn ở các cấp theo quy định của pháp luật.

Có chính sách cụ thể để hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ CBCCVC làm chuyên trách về CCHC, trực tại Bộ phận Một cửa các cấp và đội ngũ những chuyên viên chuyên trách về CNTT của tỉnh. Có cơ chế khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm kịp thời những CBCCVC có những giải pháp đột phá, có tính mới và hiệu quả trong việc CCHC của tỉnh được Bộ, ngành Trung ương ghi nhận. Kỷ luật nghiêm minh và công khai tên, vị trí công tác đối với những CBCCVC trong quá trình tiếp xúc gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, Có cơ chế quản lý, kiểm tra giám sát, xử lý hành vi tiêu cực trong công tác CCHC

Xây dựng cơ chế quản lý, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức trong giải quyết TTHC mà để xảy ra nhiều tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng.

Xây dựng Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở các tiêu chí do Sở Nội vụ đề xuất để đánh giá theo dõi thái độ phục vụ của đội ngũ CBCCVC. Hệ thống này sẽ tiếp nhận toàn bộ các đánh giá, phản ánh của người dân, doanh nghiệp hàng ngày đối với các sở, ban ngành tỉnh và chính quyền cấp huyện (bao gồm cả cấp xã) và tích hợp chuyển các thông tin đến số điện thoại di động của người đứng đầu các sở ngành tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện để kịp thời điều chỉnh, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót từ sớm, từ xa. Đối với những sở ngành, địa phương liên tục bị người dân phản ứng nhiều qua nhiều tháng mà không khắc phục được thì cấp có thẩm quyền kịp thời thay thế người đứng đầu của sở ngành, địa phương đó; Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại thực hiện CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở các ngành, địa phương cho phù hợp.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây