Quyết tâm phát triển nông sản chất lượng cao

Chủ nhật - 15/05/2016 09:00 187 0
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có không ít sản phẩm hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này xuất khẩu sang các nước Âu, Mỹ... chứ chưa có mặt nhiều ở thị phần nội địa. Như vậy cũng có nghĩa là, những sản phẩm đạt chất lượng tốt, an toàn thì chúng ta để… xuất ngoại. Đây là một nghịch lý đáng buồn!

 

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân (thứ 5 từ trái sang) tặng hoa cho các doanh nghiệp tại hội thảo.

Ngày 12.5.2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ (VOAEI) tổ chức hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp Organic Việt Nam - Xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”. Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cùng lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan đã đến dự.

Theo VOAEI, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với hơn 80% lực lượng lao động tham gia trực tiếp. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản. Tuy vậy, giá trị gia tăng từ sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản vẫn còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể tham gia “tương xứng về giá trị” khi nước ta hội nhập Hiệp định thương mại TPP.

Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang đương đầu với nhiều nguy cơ, thách thức lớn bởi tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng và hoá chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường sống đang có những tác động xấu đến chất lượng thực phẩm, đến sức khoẻ, sự an toàn, niềm tin và cuộc sống của người tiêu dùng. Vì thế, hiện nay người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm mua và ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm và có thương hiệu uy tín trên thị trường. 

Trước tình thế đó, việc định hướng phát triển nền nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trong xu thế hội nhập thế giới là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng hài hoà nhu cầu phát triển kinh tế, môi trường và xã hội. Theo xu hướng này, một số nhà đầu tư, các nông trường có quy mô khác nhau, kể cả các hợp tác xã nông nghiệp tiên phong chuyển dịch dần phương thức canh tác sang sản xuất xanh và sạch nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm thực phẩm an toàn, phù hợp theo tiêu chuẩn quy định như VietGAP, GlobalGAP, hoặc theo định hướng nông nghiệp tự nhiên không dùng thuốc. Trong đó, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được xem là một lĩnh vực mới nổi ở Việt Nam, nhưng hứa hẹn hiệu quả kinh doanh lớn hơn và cơ hội phát triển tốt hơn trong tương lai. 

Trong hơn 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp đi theo hướng NNHC đã có nhiều sản phẩm hữu cơ được chứng nhận quốc tế từ rau, củ, quả, tôm, cá, gạo, trà, dầu dừa… Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ... chứ chưa có mặt nhiều ở thị phần nội địa. Nguyên nhân là do giá thành các sản phẩm NNHC khá cao, rất kén người mua nên vẫn chưa được người tiêu dùng trong nước biết nhiều. Chỉ đến khi vấn đề thực phẩm bẩn, chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, sản xuất… được báo động, sản phẩm NNHC mới bắt đầu được người tiêu dùng tìm đến.

Hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp Organic” được tổ chức nhằm tạo ra một bức tranh nhận diện rõ ràng hơn của ngành NNHC, từ đó thúc đẩy phong trào cũng như cách thức chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp vô cơ sang NNHC. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho các DN đi theo hướng NNHC cùng ngồi lại thảo luận về góc nhìn và phát triển thị trường, mức độ công nhận của xã hội, qua đó các DN có những chiến lược và phương thức thực tế hơn để mở rộng mô hình NNHC.

Ngoài ra, hội thảo cũng là nơi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về ngành NNHC, điều kiện các DN đang sử dụng phương thức sản xuất nông nghiệp vô cơ chuyển đổi sang phương thức canh tác hữu cơ sạch và xanh hơn, là chất xúc tác thúc đẩy xây dựng thị trường ngách sản phẩm hữu cơ có quy mô nhỏ phát triển thành thị trường lớn hơn cho các sản phẩm thay thế khác, đáp ứng phù hợp với những thách thức và nhu cầu bức xúc đối với môi trường và cộng đồng xã hội.

Tại hội thảo, nhiều DN tham gia sản xuất NNHC kiến nghị Nhà nước và Chính phủ cần đồng hành hơn với DN để ngành NNHC phát triển mạnh. Cụ thể, cần có cơ chế chính sách rõ ràng trong hỗ trợ ưu đãi khi nông dân, DN tham gia NNHC như: nông dân canh tác hữu cơ sẽ được hưởng lợi gì về vay vốn ngân hàng (thời gian dài hơn và lãi suất thấp hơn) so với canh tác vô cơ. Tương tự, DN tham gia NNHC được hưởng lợi gì, ưu đãi gì khi phân phối sản phẩm, vay vốn, xúc tiến thương mại… Mặt khác, cần có sự quy hoạch cụ thể vùng sản xuất NNHC để tránh sự ô nhiễm chéo của vùng sản xuất vô cơ. Bên cạnh đó, phải có sự phân biệt rõ thế nào là VietGAP, GlobalGAP, Organic trong sản xuất và cấp giấy chứng nhận để người tiêu dùng nhận diện; thưởng, phạt rõ ràng trong sản xuất hữu cơ và vô cơ nhằm tạo động lực cho người nông dân, DN tham gia mô hình sản xuất NNHC. Có như vậy, việc sản xuất nông nghiệp từ vô cơ sẽ chuyển dịch dần sang mô hình NNHC, tạo được sự cạnh tranh khi hội nhập.

 Các nhà khoa học, các chuyên gia khẳng định: Phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững mà nền nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới. Đây cũng chính là xu hướng phát triển của thế giới nhằm hướng đến các sản phẩm tiêu dùng an toàn, gần với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống. Việc sản xuất ra một sản phẩm đúng nghĩa “hữu cơ” là một quá trình khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết nhiệt đới, sâu bệnh thường xuyên xuất hiện như ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo chủ các trang trại tham dự hội thảo, cái khó hơn là làm sao để bán được sản phẩm này trên thị trường. 

Trước những khó khăn về đầu ra của các công ty, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng- Đại học RMIT, Úc, đưa ra thông tin khá tích cực đối với tiềm năng phát triển của sản phẩm NNHC. Theo đó, hiện tại, NNHC chiếm 5% trong cơ cấu thị trường sản phẩm nông nghiệp thế giới và hiện có nhiều thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này. Cụ thể như Úc là quốc gia đang muốn hướng đến nông nghiệp hữu cơ với 11 triệu héc ta. Sản phẩm hữu cơ nhiều nhất là thịt bò, rau, củ, quả. Từ những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Úc, ông Vọng đưa ra lời tư vấn cho các doanh nghiệp rằng, muốn bán được sản phẩm hữu cơ, điều đầu tiên là chiếm được sự tin tưởng của khách hàng. Bán sản phẩm hữu cơ là bán niềm tin cho khách hàng của mình.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra những cam kết sẽ sớm hoàn thiện những quy định, chính sách để hỗ trợ các công ty sản xuất NNHC. Cụ thể, những cơ quan quản lý này sẽ đề nghị các địa phương sớm có quy hoạch cho vùng sản xuất hữu cơ, nghiên cứu ban hành các quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ cho từng đối tượng sản phẩm, phù hợp với địa phương nơi sản xuất sản phẩm NNHC.

Hiện Việt Nam đang xuất khẩu rau quả đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 5 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, ngoại trừ Trung Quốc thì Nhật Bản, Mỹ, Nga và Hàn Quốc đều là những thị trường lớn có yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm (phải áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP).

Còn ở trong nước, có đến 95% giới tiêu dùng rất quan ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều đó đòi hỏi để cung cấp cho một thị trường trong nước và xuất khẩu to lớn như vậy (năm 2015 xuất khẩu rau quả đạt 2,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 50%) thì yêu cầu trước tiên phải đặt ra là nông sản Việt buộc phải bảo đảm an toàn, sạch.

 

 

Nông sản Việt bán ở một siêu thị.

Tuy nhiên, hiện trạng sản xuất NNHC ở Việt Nam được cho là vẫn còn khiêm tốn. Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, năm 2010, cả nước có 21.000 ha NNHC. Đến năm 2012 là 23.400 ha, chiếm 0,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm hữu cơ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường vì giá cao hơn 50 - 200% so với không hữu cơ. Vì vậy, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc mở rộng sản xuất NNHC còn gặp nhiều thách thức do chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có. Hơn nữa, việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm NNHC ở các địa phương còn rất hạn chế, các tiêu chuẩn cơ bản cho sản xuất và chế biến hữu cơ vẫn chưa rõ ràng. 

Tham dự hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân có bài phát biểu đóng góp. Theo đó, tỉnh đang rất quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù của địa phương nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nền nông nghiệp tỉnh đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, rất cần ổn định thị trường nông sản, mong muốn phát triển nông sản chất lượng cao. Hiện tỉnh đang rà soát quy hoạch, dành một phần quỹ đất phù hợp và thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hoá quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để làm ra sản phẩm chất lượng tốt, an toàn đối với người dùng, đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Nhân dịp hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân ngỏ lời mời các nhà đầu tư đến Tây Ninh đầu tư vào các dự án nông nghiệp chất lượng cao mà tỉnh đang ưu tiên, và tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây