Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Hội nghị được trực truyến đến 14.535 điểm cầu toàn quốc với hơn 1,3 triệu đại biểu tham dự. Tại Tây Ninh, Hội nghị được trực tuyến đến 902 điểm cầu cấp huyện, cấp xã với hơn 9.300 Đảng viên tham dự.
Chủ trì tại điểm cầu cấp tỉnh Tây Ninh có đồng chí Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quộc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh; các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh;…
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh Tây Ninh
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã triển khai các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ trình bày chuyên đề “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”. Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội triển khai chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế” và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV bế mạc, thể hiện tầm quan trọng đặc biệt, tính chất khẩn trương, quyết liệt và tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, tạo tiền đề vững chắc, mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tổng Bí thư đề nghị toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị cần thống nhất cao trong nhận thức, hành động, quyết tâm chính trị về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và định hướng sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển; tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống; hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để tạo môi trường làm việc, sản xuất, kinh doanh lành mạnh, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch.
Ngoài ra, toàn hệ thống chính trị cần tăng tốc, bứt phá thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, năm 2025, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Chuẩn bị nhân lực, nguồn lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án trọng điểm quốc gia có khả năng thúc đẩy tăng tốc, bứt phá, dứt điểm, có tính chất mấu chốt, trụ cột trong hệ sinh thái phát triển. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động. Đa dạng hoá, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tập trung đẩy mạnh hoàn thành các mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hoá dân tộc; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi tăng cường quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
V.K