Sở NN&PTNT: Đề xuất 02 phương án hỗ trợ đối tượng trồng mới cây mía

Thứ tư - 17/10/2012 00:00 100 0
Theo Sở NN&PTNT, trong 3 năm qua, Tây Ninh đã chi hơn 10,8 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng trồng mới cây mía trên địa bàn tỉnh; diện tích mía trồng mới đạt hơn 21.600ha.

 

Vùng nguyên liệu mía huyện Dương Minh Châu

Hầu hết các diện tích mía trồng mới đều áp dụng các loại giống mía mới có năng suất cao, chất lượng tốt như giồng mía K88-65, K95-84, LK92-11, K95-156, K88-200 và VN84-4137… Qua đó, tăng sản lượng mía nguyên liệu của 03 năm (2009 – 2011) đạt hơn 4,88 triệu tấn cung cấp cho 03 nhà máy đường trong tỉnh. Chính sách hỗ trợ mía trồng mới đã góp phần tăng thu cho ngân sách của tỉnh trên 264 tỷ đồng.

Nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích mía, tỉnh đầu tư khoảng 2.000 tỷ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nội đồng và hệ thống thuỷ lợi tưới, tiêu phục vụ cho việc phát triển vùng nguyên liệu các nhà máy. Trong khi đó, các nhà máy đường cũng có các chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất mía nguyên liệu, điều chỉnh giá thu mua mía tương ứng với giá thị trường theo từng niên vụ; đầu tư xây dựng đường sá, giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương, kéo đường dây điện tưới mía, phát triển cơ giới hoá, khuyến nông và giống với tổng kinh phí trên 13,337 tỷ đồng; đầu tư xây dựng, nâng tổng công suất của 03 nhà máy đạt 14.000 tấn mía/ngày.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ tạm thời cho đối tượng trồng mới cây mía trên địa bàn tỉnh, nảy sinh một số khó khăn như: Một số hộ nông dân trồng mía mới không có hợp đồng với các công ty, nhà máy đường không được hưởng chính sách hỗ trợ này; Việc tổ chức thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho người dân mất nhiều thời gian (do người thuê đất trồng mía không phải là dân địa phương)…

Theo Sở NN&PTNT, nhằm tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành mía đường phát triển bền vững, triển khai thực tốt Quyết định của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch vùng sản lượng mía tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, cần tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng (giao thông nội đồng, thuỷ lợi tưới tiêu…) bằng nhiều nguồn vốn của Nhà nước, của công ty, nhà máy đường và người trồng mía. Tập trung thử nghiệm hoàn chỉnh các loại máy móc phục vụ việc cơ giới hoá đồng bộ cây mía từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch…; Tiếp tục khảo nghiệm các bộ giống mía phù hợp với điều kiện của tây Ninh, các bộ giống chín sớm, chín muộn… cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu thu hoạch mía hằng năm.

Song song đó, Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét 02 phương án hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía. Trong phương án thứ nhất, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ tạm thời cho đối tượng trồng mới cây mía trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 – 2014 nhằm đảm bảo mở rộng vùng nguyên liệu mía để phát triển công nghiệp chế biến mía đường; tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh và tăng thu nhập cho người trồng mía. Mức hỗ trợ là 01 triệu đồng/ha, dự kiến hỗ trợ trong 03 năm với khoảng 20.000ha, tổng giá trị hỗ trợ là 20 tỷ đồng. Ước tính, việc hỗ trợ này sẽ góp phần làm tăng thu ngân sách tỉnh khoảng 316 tỷ đồng.

Phương án 2 mà Sở NN&PTNT đề xuất là chuyển toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho diện tích mía trồng mới sang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, sửa chữa kênh mương nội đồng, phục vụ cho giao thông nông thôn, vừa thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản, trong đó có cây mía.

Theo Sở NN&PTNT, trên cơ sở phân tích 02 phương án trên, cùng với tổng hợp ý kiến đề nghị của các huyện, các công ty, nhà máy đường và của đại diện các hộ nông dân trồng mía, Sở đề nghị UBND tỉnh chọn phương án 1, qua đó hỗ trợ trực tiếp cho người trồng mía, phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía cung cấp đủ cho các nhà máy đường, góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân.

Theo BTNO

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây