Tân Biên: Các lớp đào tạo nghề thu hút lao động nông thôn

Thứ ba - 24/06/2014 00:00 63 0
Năm 2014, huyện Tân Biên đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu tập trung ở các xã nông thôn mới. Điều đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, có việc làm và tăng thu nhập.

Hướng dẫn học viên cách đặt thước cạo mủ cao su.

Anh Chàm Văn Sút ở ấp Thạnh Thọ, xã Thạnh Bình đã tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Biên tổ chức được gần 3 năm nay. Sau khi hoàn thành khoá học nghề cạo mủ cao su, anh Sút đã xin vào làm tại các vườn cao su ở địa phương. Vốn tính cần cù, chịu khó, lại có kỹ năng cạo tốt nên anh Sút có việc làm đều đều, mỗi tháng trung bình cũng có thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Nhờ vậy anh đã có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Anh chia sẻ niềm vui: “Trước kia tôi không có nghề gì cả nên ai thuê gì làm nấy, hôm có việc hôm không, thu nhập không ổn định. Sau khi học nghề cạo mủ cao su, biết cách cạo, tôi đã có việc làm, kiếm được thu nhập trang trải cuộc sống gia đình”.

Nhiều bà con dân tộc Chăm trong ấp Thạnh Thọ cũng tích cực tham gia các lớp học nghề, trong đó chủ yếu vẫn là nghề cạo mủ cao su. Nhiều người đã tìm được việc làm cho thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Chí Sang- Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Biên cho biết, trong năm 2013, toàn huyện đã mở 29 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 1.015 học viên tham gia. Các nghề đào tạo chủ yếu là: khai thác mủ cao su, trồng rau sạch, chăm sóc cây cảnh, lái xe ô tô… Có hơn 76% lao động sau khi học nghề có việc làm. Về cơ bản, công tác đào tạo nghề đã đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, mô hình đào tạo nghề khai thác mủ cao su, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề rất cao, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Trong năm 2014, huyện Tân Biên đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu tập trung ở các xã nông thôn mới. Điều đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, có việc làm và tăng thu nhập. Theo kế hoạch, năm nay Tân Biên sẽ mở 37 lớp đào tạo nghề với gần 1.300 học viên tham dự. Khai thác mủ cao su vẫn là nghề được đào tạo với số lượng nhiều nhất, chiếm hơn 83% tổng số lao động được đào tạo trong năm. Bên cạnh đó, một số nghề cũng được đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế ở từng địa phương như nghề trồng rau sạch, chăm sóc cây cảnh, trồng gừng, chăm nuôi gia súc, gia cầm…

Anh Dương Phước Sang, ấp Tân Đông, xã Tân Lập vừa tham gia khoá đào tạo nghề chăn nuôi gia súc gia cầm cho biết, qua lớp học anh đã hiểu biết hơn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi nhà mình. Nhà anh có nghề nuôi heo đã được 16 năm nay, hiện trong chuồng có một đàn heo 40 con. Tuy nhiên, lâu nay anh quen chăm sóc và phòng bệnh cho heo cũng như tái tạo đàn heo theo kinh nghiệm riêng của mình, mà chưa được học hỏi qua lớp kỹ thuật nào. Qua khoá đào tạo nghề chăn nuôi gia súc gia cầm đợt này, anh đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích như cách chọn giống, tái đàn, cách phòng bệnh và chăm sóc đàn heo… Để cung cấp thêm thức ăn cho heo, anh nấu rượu lấy hèm cho heo ăn. Nhờ đó, heo chóng lớn, đỡ tốn cám nên chi phí chăm sóc cũng giảm xuống. Anh khoe: “Thời điểm nhiều người nuôi heo thành công, ai cũng đều có lãi thì gia đình tôi có mức lãi cao hơn. Còn khi heo xuống giá, nhiều hộ nuôi heo khác bị lỗ vốn thì gia đình tôi không bị lỗ, chỉ huề vốn”.

So với các địa phương khác, Tân Biên triển khai các lớp đào tạo nghề khá sớm. Đến nay, toàn huyện đã mở được 27/37 lớp đào tạo nghề theo kế hoạch đề ra. Ông Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ kinh nghiệm về cách làm của địa phương mình: “Chúng tôi đã sớm chủ động phối hợp rà soát nhu cầu người học, đề xuất UBND huyện cho ứng kinh phí để đào tạo. Điều đó sẽ giúp cho công tác đào tạo nghề không bị dồn vào những tháng cuối năm. Do học sớm nên người lao động sau khoá học xin được việc làm vào các vườn cao su ở mùa cạo mủ mới. Trong công tác đào tạo nghề, chúng tôi chủ động tuyên truyền để người lao động có nhu cầu đăng ký học, đồng thời, mở lớp ngay tại xóm, ấp để người dân thuận tiện đi lại. Thời gian được tổ chức vào buổi chiều, để bà con có thể tranh thủ tham gia lớp học được nhiều hơn”.

Với cách làm chủ động và sáng tạo, công tác đào tạo nghề đang mang lại những kết quả nhất định ở huyện biên giới này.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây