Tân Châu chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ ba - 17/09/2013 00:00 63 0
Huyện Tân Châu hiện có trên 126.000 dân, trong đó lực lượng lao động xấp xỉ 76.000 người. Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp người dân có cơ hội tìm việc làm và phát triển kinh tế, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện quan tâm chỉ đạo gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Các học viên đang học thực hành cạo mũ cao su

Ngay sau khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Tổ chức các hội nghị quán triệt nội dung Quyết định 1956 và kế hoạch của UBND huyện tới các xã, thị trấn trong huyện. Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng, các đoàn thể ở địa phương, chủ động phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt các nhóm giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Để thu hút người dân tham gia học nghề, các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương. Huyện mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn và nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như phù hợp với khả năng của người lao động. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao đông nông thôn, huyện đã tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành nghề phù hợp.

Bà Ngô Thị Lợi - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Tân Châu cho biết: “Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp cho người lao động có tay nghề, họ tự tạo việc làm tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện và chương trình xây dựng nông thôn mới. Và cũng góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Cụ thể từ chương trình đào tạo nghề người lao động nghèo vươn lên thoát nghèo là 132 hộ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,19 % năm 2010 xuống còn 6,44% năm 2012”

Có thể nói đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chương trình rất thiết thực cho bà con nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa vùng biên giới. Hiện nay, đề án này đang được huyện Tân Châu triển khai có hiệu quả, mỗi năm có hàng nghìn lao động được đào tạo nghề. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu sau khi được học nghề, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, nhất là tại các địa phương vùng sâu, vùng biên giới khó khăn.

Đến với gia đình chị Tạ Thị Lanh sinh năm 1968, ngụ tại ấp 4 xã Suối Ngô, đây là gia đình điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ đề án đào tạo nghề lao động nông thôn. Năm 1992 vợ chồng chị từ xã Thái An, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình vào xã Suối Ngô huyện Tân Châu, Tây Ninh lập nghiệp với 02 bàn tay trắng, không nhà không cửa, không vốn luyến, vợ chồng chị phải ở nhờ gia đình người thân. Hằng ngày hai vợ chồng cùng nhau làm thuê để sinh sống qua ngày, khó khăn càng chồng chất khi 02 đứa con chào đời. Với số tiền ít ỏi của nghề làm thuê cuốc mướn chỉ đủ đong gạo mỗi ngày. Và rồi nỗi khổ đau cùng cực lại chất lên vai chị khi Chồng chị bị bệnh xơ gan. Năm 2008 anh mất, để lại một mình chị nuôi con và số nợ gần 40 triệu đồng. Được sự đùm bọc của chị em, bà con hàng xóm, cũng như sự giúp đỡ của chính quyền địa phương chị Lanh được tham gia lớp dạy nghề cạo mủ cao su do Hội Phụ nữ huyện Tân Châu phối hợp với Phòng Lao động xã hội huyện tổ chức tại xã Suối Ngô. Khi có cái nghề cơ bản trong tay, bằng nghị lực của chính bản thân mình chị đã vượt qua khó khăn. Với đồng lương công nhân cạo mủ gần 5 triệu đồng/tháng, hằng tháng chị luôn chi tiêu tiết kiệm tích góp. Hiện tại chị đã mua được 600m vuông đất cất nhà, đồng thời sang hợp đồng 01 ha đất trồng cao su được 03 năm tuổi và nuôi đứa con trai đang học năm hai tại Trường Cao Đẳng Kinh tế Kỹ thuật Tp.HCM. Chị Lanh cho biết thêm:

Chị Tạ Thị Lanh -ấp 4 Suối Ngô cho biết thêm: “ Qua đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại cho cá nhân tôi nói riêng và những chị em nghèo phụ nữ xã Suối Ngô nói chung công ăn việc làm ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mình ổn định, nuôi con cái được học hành, phát triển thêm, góp nhặt thêm chẳng hạn cũng mua được cái này cái kia. Gia đình mình cũng đỡ bấp bênh hơn hồi mình còn đi làm công, cũng do mình 1 phần và do Đảng và nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ, những phụ nữ học cạo xong không đi cạo cho nhà nước cũng đi cạo cho tư nhân. Nhìn chung những người ở đây chỉ cần có sức khỏe và chí nữa thì cũng kiếm được việc làm”

Qua 03 năm (2010-2012) thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã tổ chức dạy nghề được 86 lớp với 2.586 học viên theo học đạt 57,5%, trong đó có 75 lớp khai thác mủ cao su, 8 lớp rau sạch – rau mầm và 03 lớp dạy lái xe ôtô. Chương trình, giáo án dạy nghề tập trung vào thực hành và các kỹ năng lao động, học đến đâu, thực hành đến đó. Sau khi học nghề, nhiều học viên đã có việc làm ổn định, cải thiện đời sống như nghề khai thác mủ cao su. Số còn lại tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả lao động, cải thiện đời sống. Qua điều tra, khảo sát có hơn 2.100 lao động có việc làm đạt tỷ lệ 84,07%. Ngoài ra, các học viên sau khi học nghề tìm được việc làm, còn được hỗ trợ vay vốn từ các chương trình giảm nghèo, vốn giải quyết việc làm, vốn xóa đói giảm nghèo … để chăn nuôi, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống; Đề án 1956 không những đem lại hiệu quả khả quan và phù hợp với người lao động trong độ tuổi và nhiều đối tượng như: hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người tàn tật, bộ đội xuất ngũ … mà còn đem lại hiệu quả hữu ích cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Anh Chàm Oanh Sor sinh năm 1983 là một trong những hộ gia đình cộng đồng dân tộc Chăm ngụ tại ấp Tân Trung A, xã Tân Hưng huyện Tân Châu đã vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống, nhờ vào Đề án 1956. Anh cho biết thêm: “ Cá nhân tôi là người dân tộc chăm được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc là một việc làm thiết thực có ý nghĩa. Bản thân tôi trước đây không có tay nghề, nên việc làm thất thường, thu nhập không ổn định, cuộc sống bấp bênh khó khăn, thiếu thốn. Sau khi được học nghề cạo mủ cao su tôi đã có tay nghề, việc làm ổn định, hiện tại thu nhập của tôi trên 3 triệu đồng một tháng, cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn, ổn định hơn. Riêng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, khó khăn, nhất là các hộ dân tộc chăm chúng tôi.”

Công tác đào tạo nghề của huyện đạt được kết quả cao là do sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp; sự nhận thức của cán bộ các cấp và người dân nói chung, người lao động nói riêng từ bước được nâng lên. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của huyện được cải thiện đáng kể, người lao động sau khi được đào tạo đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản, cần thiết về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân và gia đình.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, huyện đã mở được 34 lớp cho 1.069 học viên, đạt 136% so với kế hoạch. Trong đó có 2 lớp trồng gừng, 2 lớp chăn nuôi gia cầm và 30 lớp dạy nghề khai thác mủ cao su. Qua đào tạo có 806/1.069 lao động có việc làm mới,  đạt tỉ lệ 75,4%. Cùng với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến kích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động; Từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, thông qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện, đã cho vay vốn tạo thêm việc làm cho người lao động trong độ tuổi. Qua đó, đã cho giải ngân trên 11 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho 802 lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Tân Châu còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Công tác thông tin, tư vấn cho lao động còn hạn chế; tuyên truyền chưa được thường xuyên, rộng khắp, nên nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề; phần lớn các học viên chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác; việc nhân rộng các mô hình đào tạo gắn liền với hiệu quả kinh tế chưa được thực hiện; Công tác quan tâm, quản lý học viên sau khi học nghề ở địa phương còn hạn chế; Cần xây dựng được mô hình đào tạo gắn liền với việc làm; Chưa phối hợp với các doanh nghiệp, trang trại, hộ kinh doanh để giới thiệu việc làm cho học viên sau khi được đào tạo, học viên tự tìm việc làm là chính.

Bà Ngô Thị Lợi – Trưởng phòng LĐTBXH huyện trăn trở: “ Ngành nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện chưa được phong phú lắm. Qua 03 năm đào tạo chủ yếu là nghề cạo mủ cao su; Nghề trồng rau, nấm, lái xe B2 hiệu quả không cao. Hiện nay tình hình giá cả mủ cao su giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Đây là khó khăn thách thức lớn đòi hỏi phải mở ra ngành nghề mới. Cụ thể nghề nào đó để giải quyết thời gian lao động nhàn rỗi, như nghề đan lát, thủ công mỹ nghệ chẳng hạn. Nhưng khó khăn tiếp theo là làm thế nào để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của người lao động sản xuất ra, được tiêu thụ mang tính bền vững, thì người lao động mới có được cuộc sống ổn định và vươn lên cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà.” 

Để thực hiện có hiệu quả đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn huyện, thời gian tới huyện Tân Châu cần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, gắn việc đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động sau đào tạo và nhu cầu thị trường; Thực hiện đúng chính sách ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, người dân tộc thiểu số và các xã điểm xây dựng nông thôn mới; Phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% trở lên; Đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo quy hoạch sản xuất của từng địa phương. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động mỗi năm. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực, khuyến khích doanh nghiệp mỡ rộng sản xuất ở vùng nông thôn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện./.

Thụy Thảo 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây