Tăng cường giám sát bệnh lây nhiễm qua động vật

Chủ nhật - 31/03/2013 00:00 166 0
Ban quản lý Dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam” tỉnh Tây Ninh (Dự án VAHIP) vừa tổ chức Hội thảo tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người.

 

 

 

 

 

Tây Ninh là một trong 11 tỉnh của cả nước được chọn để thực hiện dự án VAHIP với kinh phí tài trợ từ nguồn vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại. Việc tổ chức Hội thảo nhằm nâng cao trình độ nhận thức và thực hiện công tác phòng chống các loại dịch bệnh hiệu quả nhất.

Diễn tập tình huống ca nghi ngờ bệnh nhân viêm phổi nặng do cúm A/H5N1

 

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã xác định sự cần thiết của việc hợp tác liên ngành trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh lây từ động vật sang người; đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành Y tế và Thú y.

BS.Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Dự án VAHIP Tây Ninh cho rằng, việc phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người - nếu chỉ có ngành Y tế thực hiện thì sẽ không giải quyết được hết các vấn đề.

Thực tế cho thấy, ngành Y tế và Thú y khi hợp lực hành động sẽ tận dụng tối đa nguồn lực, tăng hiệu suất và tránh được các công việc chồng chéo nhau. Sự phối hợp liên ngành nhằm giảm nguy cơ lây truyền chung cho động vật và người tại các chợ động vật, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã.

Dự án VAHIP tại Tây Ninh bao gồm 2 hợp phần: Trong hợp phần A tiến tới khống chế và thanh toán cúm gia cầm độc lực cao trong ngành Nông nghiệp, nhằm khống chế kịp thời và hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh, tất cả các ca bệnh được báo cáo, sau khi xác minh nghi ngờ cúm gia cầm độc lực cao đều được Ban quản lý dự án hỗ trợ Chi cục Thú y tỉnh hợp đồng với thú y xã để theo dõi, giám sát và điều tra dịch tễ; nâng cấp an toàn sinh học các chợ và lò mổ; xây dựng khu vực buôn bán gia cầm riêng biệt với các loại hàng hoá…

Ở hợp phần B Y tế, dự án hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình Y tế dự phòng tuyến huyện đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế về chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và hệ thống Y tế dự phòng tuyến huyện đủ khả năng cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với bệnh dịch, nhất là cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 và đại dịch cúm ở người. Nâng cao năng lực hệ thống giám sát và đáp ứng bệnh truyền nhiễm, tăng cường năng lực điều trị của các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng địa phương… Ngoài ra, việc phối hợp liên ngành cũng hướng đến tuyên truyền sâu rộng trong người dân về ý thức tự bảo vệ mình trước các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ động vật.

Theo báo cáo tại hội thảo, năm 2012 tình hình mắc bệnh truyền nhiễm ở Tây Ninh diễn biến phức tạp, tăng cao so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện như: quai bị 190 ca mắc, so cùng kỳ năm 2011 chỉ có 11 ca mắc; viêm não virus 6 ca, gấp 5 lần so cùng kỳ; thủy đậu 347 ca, tăng trên 196%; tay chân miệng tăng hơn 13%, bệnh thương hàn, ho gà tăng 100%, uốn ván tăng 300%. Số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh giảm so cùng kỳ, nhưng tỷ lệ tử vong lại tăng khi có tới 6 ca chết, trong khi năm 2011 lại không xảy ra trường hợp mắc SXH tử vong.

Theo BTNO

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây