Trong 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu và trị giá mua, bán trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu của doanh nghiệp và cư dân biên giới uớc đạt 792,77 triệu USD, tăng 28,11% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa với Campuchia đạt 165,71 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,48 triệu USD, nhập khẩu đạt 160,23 triệu USD.
Xe tải hoạt động tại Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là xi măng, túi nhựa, bã mì, bột cá, cá hộp, cám các loại, thức ăn cho gia súc, hóa chất, dầu ăn, hàng tạp hóa, rau củ quả các loại… Mặt hàng nhập khẩu thường là củ mì tươi, mì lát khô, gỗ điều xẻ, gỗ tạp, cao su thiên nhiên, gỗ các loại, hạt điều tươi chưa bóc vỏ, mía...
Tổng trị giá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới đạt 14,09 triệu USD, tăng 39,95%. Mặt hàng mua, bán chủ yếu được cư dân biên giới buôn bán là rau củ quả, cá, thịt, bánh, kẹo, gạch, phân bón, hàng tạp hóa, heo hơi, gà sống, trâu, bò, lúa, củ mì, mủ cao su, hạt điều.
Hoạt động thương mại tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài khá phát triển, trong 2 tháng đầu năm 2018, đã có 12 doanh nghiệp được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh bán hàng miễn thuế. Lượng khách đến khu thương mại công nghiệp tham quan mua sắm đạt 88.854 lượt người, doanh thu bán lẻ đạt 95.913 tỷ đồng- tăng 66,83% so với cùng kỳ (57,491 tỷ đồng). Hoạt động thương mại tại Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát tập trung chủ yếu là xuất nhập khẩu hàng hóa, thương mại và dịch vụ tại chỗ chưa phát triển.
Thời gian qua, tổng thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra, vào của 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát) và cửa khẩu chính Chàng Riệc đạt 185,409 tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm tại tại các cửa khẩu được kiểm soát chặt chẽ, chưa phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam và kiểm tra hồ sơ ngoại quan đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Hiện toàn tỉnh có 20 chợ tại 14 xã biên giới đang hoạt động. Hàng hóa trao đổi của cư dân ở các chợ biên giới chủ yếu là hàng Việt Nam gồm đồ dùng gia đình bằng nhôm, nhựa gia dụng, mì ăn liền, dầu ăn, trái cây, bột giặt, vật liệu xây dựng…; hàng hoá của cư dân Campuchia gồm mì lát, mì tươi, hạt điều nguyên liệu, đậu các loại, lúa gạo.
Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công thương chủ trì, kiểm tra hàng hóa tại Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài. Ảnh minh hoạ
Theo Sở Công thương, hiện nay cư dân biên giới chỉ được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu phụ được UBND tỉnh công bố sau khi thống nhất với các bộ, ngành liên quan về việc bảo đảm có đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, tỉnh Tây Ninh có một số cửa khẩu phụ chưa đủ lực lượng chuyên ngành quản lý (hiện chỉ có lực lượng Biên phòng tại cửa khẩu) và chưa bảo đảm về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhà nước để kiểm tra, kiểm soát hàng hóa qua lại mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nên chưa đủ điều kiện để UBND tỉnh lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, đồng thời ảnh hưởng đến mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa tỉnh Tây Ninh với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 cửa khẩu phụ chỉ có lực lượng biên phòng quản lý, trong đó cửa khẩu phụ Vàm Trảng Trâu thuộc xã Biên Giới, huyện Châu Thành (phía đối diện là cửa khẩu Đôn, thuộc xã Đôn, huyện Romeas Haek, tỉnh Svay Rieng) là cửa khẩu mà cư dân biên giới hai bên có nhu cầu trao đổi hàng hóa thường xuyên (chủ yếu là nông sản, đặc biệt là trái cây, lúa).
Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, tỉnh kiến nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan cho phép tỉnh Tây Ninh thành lập tổ kiểm soát cơ động liên ngành, gồm các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch y tế để kiểm tra, giám sát hàng hóa khi cư dân biên giới có nhu cầu trao đổi, mua bán và làm cơ sở để công bố cửa khẩu phụ Vàm Trảng Trâu được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Sở Công thương đề nghị UBND các huyện biên giới tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, cư dân biên giới tham gia hoạt động thương mại biên giới đúng quy định của pháp luật; rà soát, tham mưu UBND tỉnh công tác đầu tư hạ tầng biên giới đặc biệt là hạ tầng ở các cửa khẩu.
Theo BTNO