Tăng cường, theo dõi sát tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng

Thứ hai - 16/09/2019 17:00 93 0
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 9 tháng năm 2019, tình hình sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định.

Các cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Giảm diện tích lúa, mía, cao su, đậu phọng,... hiệu quả thấp để chuyển đổi sang trồng các loại rau các loại, cây ăn trái tiềm năng quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao (như nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối...).

canhdong.jpg

Cánh đồng lúa ở huyện Châu Thành

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 9 tháng qua là 217.485 ha (đạt 95,3% so với cùng kỳ). Cụ thể, diện tích cây lúa 126.778 ha (bằng 96,7% so với cùng kỳ); diện tích cây bắp 4.272 ha (bằng 86,2% so với cùng kỳ); diện tích cây mía ước đạt 10.700 ha (bằng 72,9% so với cùng kỳ), trong đó trồng mới 2.130 ha (bằng 37,1% so với cùng kỳ). Diện tích rau các loại 18.329 ha (tăng 1,3% so cùng kỳ). Diện tích cây ăn quả 21.785 ha (tăng 7,8% so cùng kỳ).

Trong 9 tháng đầu năm 2019, tình hình sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng chính chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, phát sinh tăng nhẹ 6,5% (tương đương 3.650 ha) so với cùng kỳ. Trong đó, cây ăn trái 66 ha (tăng 9,9%), lúa 711 ha (tăng 5,3%), riêng cây rau 2196,8 ha (giảm 38,6%)... Các đối tượng gây hại phổ biến là sâu đục trái, sâu vẽ bùa, rệp sáp, nhện đỏ trên cây ăn trái; rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn trên lúa; bọ trĩ, ruồi đục trái, bệnh sương mai, bệnh đốm vàng trên rau…Đáng kể nhất là bệnh khảm lá trên khoai mì và sâu keo mùa thu trên bắp.

Bệnh khảm lá khoai mì tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng trong năm 2019, tính đến ngày 30/8/2019, tổng diện tích nhiễm khảm lá trên địa bàn toàn tỉnh là 39.430,5 ha, tăng 15,3% (tương đương 5.428,3 ha). Trong đó chỉ có 15,8% diện tích nhiễm nặng, giảm mức độ hại so với năm 2017 và 2018.

Nguyên nhân của việc giảm mức độ nhiễm là do điều kiện thời tiết kết hợp việc thay đổi cơ cấu giống (tăng diện tích trồng giống KM 94, giảm 78% diện tích trồng giống HLS 11 nhiễm bệnh nặng so với 2018), sử dụng nguồn giống sạch bệnh,.... Hiện nay diện tích nhiễm bệnh đã thu hoạch 14.822,6 ha mì trồng vụ Đông Xuân 2018 - 2019, diện tích nhiễm bệnh hiện còn trên đồng là 24.607,9 ha. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai phòng chống dịch, đồng thời, ngành còn phối hợp với Viện Di truyền khảo sát bộ giống mì có khả năng kháng bệnh, kết quả vụ 1 đã tuyển chọn được 8 dòng kháng có năng suất đạt trên 35 tấn/ha và 9 dòng nhiễm bệnh rất nhẹ (cấp 2/5 cấp) có năng suất đạt trên 37 tấn/ha để tiếp tục trồng theo dõi vụ 2; tổ chức Hội thảo quốc tế về "Bệnh khảm sắn - hiện trạng và những bài học trong công tác quản lý"; phối hợp Viện Bảo vệ thực vật và các chuyên gia Nhật Bản tổ chức hội thảo tập huấn kỹ thuật sử dụng Lamp kit để giám định virus gây bệnh khảm lá.

canhdong1.jpg

Sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp

Đối với sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp, đây là loài sâu hại mới lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 4/2019. Tại Tây Ninh bắt đầu xuất hiện gây hại từ ngày 18/7/2019. Đến nay, đã có 438 ha nhiễm sâu đã được phát hiện và phòng trừ kịp thời ngay khi còn dạng ổ dịch nên chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ đến mức trung bình.

Tính đến ngày 30/8/2019, diện tích nhiễm sâu đã thu hoạch là 109 ha, hiện còn trên đồng 329 ha nhiễm nhẹ. Cơ quan chức năng chưa ghi nhận trường hợp nào sâu keo mùa thu gây hại trên cây trồng khác. Ngành triển khai một số nội dung phòng chống để các huyện, thành phố, doanh nghiệp sản xuất liên quan thực hiện; phối hợp chính quyền địa phương, nông dân có diện tích nhiễm tập trung phòng trừ bằng thuốc hóa học nhằm giảm nhanh mật số và hạn chế lây lan ra diện rộng. Song song đó, ngành còn tổ chức 40 lớp tập huấn cho khoảng 1.200 nông dân, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan tuyên truyền thực hiện thông tin, hướng dẫn các phòng chống sâu keo đến người sản xuất.

Trước tình hình dịch bệnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo nông dân cần tiếp tục theo dõi tiến độ xuống giống vụ Mùa để đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ và sản xuất trong năm 2019, theo dõi tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng quy hoạch của ngành.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường, theo dõi sát tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng chủ lực ở địa phương để dự báo tình hình và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, trong đó chú trọng công tác phòng chống dịch khảm lá khoai mì, nhất là tập trung công tác thông tin tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng nguồn giống sạch bệnh, liên kết, hỗ trợ giới thiệu giống sạch bệnh từ các địa phương khác cho người dân, luân canh với cây trồng ngắn ngày khác để cắt vụ, giãn vụ hạn chế nguồn bệnh khảm lá...

Với công tác phòng chống sâu keo mùa thu, các cơ quan chức năng cần tập trung vào công tác rà soát, nắm sát tình hình sâu keo mùa thu; thông tin, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời ngay khi còn dạng ổ dịch, sâu tuổi nhỏ mới xâm nhiễm...

Bên cạnh đó, ngành tích cực hỗ trợ, phối hợp các địa phương, đơn vị nhân rộng, mở rộng các dự án thụ hưởng chính sách trên cây trồng; phối hợp thành lập các nhóm nông dân chuyên sản phẩm để liên kết sản xuất tiêu thụ và chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với các loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh.

Hoàng Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây