Tăng cường trang bị kiến thức phòng, chống mua bán người trong nhân dân

Thứ bảy - 25/04/2015 15:00 35 0
Tội phạm mua bán người được xem là một trong những tội phạm nguy hiểm của xã hội, nói đến phòng, chống tội phạm mua bán người, người ta thường nghĩ đến trách nhiệm của các ngành chức năng. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả cần có sự góp sức của cả cộng đồng. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng phòng, chống để người dân không sa vào cạm bẫy của bọn tội phạm buôn người cũng được xem là giải pháp cần được chú trọng.

lop_10c2.jpg

Tuyên truyền mua bán người cho các em học sinh (Ảnh nguồn Internet)

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạn nhân dễ sa vào cạm bẫy của bọn buôn bán người được đúc kết từ thực tiễn như sau:

Do trình độ dân trí thấp, hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến nạn buôn bán người, sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật phòng, chống mua bán người của người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm buôn bán người lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội nhằm trục lợi.

Sự buông lỏng của một số gia đình trong việc nuôi dạy và quản lý con cái,  trong bối cảnh xã hội ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, xuất hiện nhiều loại hình tội phạm với thủ đoạn tinh vi, xảo nguyệt. Do đó, tình trạng phụ nữ, trẻ em bị đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo vào hoạt động mua bán người hoặc trở thành nạn nhân của nạn buôn người là điều khó có thể tránh khỏi. Bọn tội phạm lợi dụng triệt để những điểm yếu, nhu cầu cần thiết của phụ nữ và trẻ em để dụ dỗ, lừa gạt, lợi dụng sơ hở của gia đình để đưa nạn nhân qua biên giới.

Tình trạng thất nghiệp và thiếu thốn về vật chất cũng được xem là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhu cầu di dân tìm việc làm với những hứa hẹn sẽ được làm việc trong điều kiện tốt, mức lương ưu đãi đã hấp dẫn nạn nhân sa vào cạm bẫy của bọn tội phạm.

Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy, tình hình buôn bán người trong nước hiện nay đang diễn biến khá phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đối tuợng mà bọn buôn người nhắm vào đa phần đều là những phụ nữ nghèo, thiếu hiểu biết, thiếu việc làm hoặc có làm việc nhưng thu thập thấp, mong muốn được thay đổi công việc thu nhập khá hơn, những phụ nữ có hoàn cảnh éo le, dễ bị tổn thương, muốn thoát khỏi nơi mình đang sống để tránh sự mặc cảm của bản thân, những phụ nữ lười lao động, muốn sống cuộc sống giàu sang, mơ ước lấy chồng ngoại để mong được đổi đời, những đứa trẻ xuất thân ở những gia đình nghèo, phải bỏ học để đi kiếm việc làm giúp đỡ gia đình… Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các đối tượng buôn người càng dễ dàng lợi dụng hệ thống mạng Internet để  làm quen và dụ dỗ các nạn nhân.

Do đó, để hạn chế mức thấp nhất tình trạng nạn nhân bị bọn tội phạm buôn người  lừa gạt, cần tập trung tuyên truyền cho số phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị dụ dỗ, lừa gạt cao như: những phụ nữ có hoàn cảnh éo le muốn thay đổi cuộc sống, số học sinh nữ, trẻ em gái bỏ học đi lao động sớm, phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về… Trong đó, tập trung tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm buôn bán người, cách phát hiện, tố giác tội phạm để khi va chạm các nhóm đối tượng này người dân có biện pháp phòng tránh và bảo vệ bản thân.

Xác định phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em là vấn đề mang tính xã hội cao, lấy phòng ngừa là chính, các ngành chức năng và địa phương tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều hình thức và nội dung phong phú, để mọi người thấy được thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, trách nhiệm của các tổ chức, gia đình và của mọi người dân, từ đó chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn.

Cần tăng cường việc quản lý chặt chẽ số đối tượng đã có tiền án, tiền sự, trong đó chú ý tới các đối tượng liên quan đến hành vi buôn bán phụ nữ và trẻ em, chứa chấp, môi giới mại dâm, môi giới hôn nhân, cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, không để cho đối tượng tiếp tục phạm tội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để gia đình và chị em phụ nữ có nhận thức đúng đắn về kết hôn với người nước ngoài, nâng cao ý thức dân tộc, giữ gìn truyền thống, phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam.

Như vậy, để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả cao cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên của các cấp, các ngành và toàn xã hội, phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em, đảm bảo an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, để bảo vệ tính mạng, sự an toàn của chính bản thân, mỗi người dân cần tích cực, chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin, bổ sung kiến thức, hiểu biết của mình về pháp luật nói chung và pháp luật về người lao động đi nước ngoài, pháp luật về phòng chống buôn bán người nói riêng để nâng cao khả năng tự bảo vệ bản thân và gia đình khỏi vấn nạn mua bán người.

Để có những chuyến di cư an toàn, cần tìm hiểu xác minh các thông tin liên quan về cơ quan tuyển dụng, tìm hiểu kỹ về nơi mình có ý định đến, luôn mang theo giấy tờ tùy thân và kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ về các hành vi vi phạm pháp luật. 

Cát Tường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây