Tây Ninh: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều khó khăn

Thứ hai - 16/07/2018 17:00 46 0

Trong 6 tháng đầu năm 2018, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã đạt được một số kết quả thiết thực. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo nghề lao động nông thôn năm 2018. Sở tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá tại địa phương.Tiếp tục rà soát danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; định mức đào tạo với từng nghề, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng.

 6 tháng đầu năm 2018, Tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 31 lớp/145 lớp, số học viên tham gia 1.015/4.606, đạt 22%. Có 8/25 nghề đào tạo (nông nghiệp 22 lớp/725 học viên; phi nông nghiệp 9 lớp/290 học viên).

Xây dựng kế hoạch thực hiện rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tào nghề cho lao động nông thôn về nghề đào tạo, chương trình, học liệu, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cơ sở vật chất,  trang thiết bị đào tạo, khả năng tuyển sinh để xác định các cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 6 tháng đầu năm 2018, có 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Trường Trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh, Trường Trung cấp Á Châu, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên các huyện: Tân Biên, Tân Châu, Gò Dầu, Trung tâm học tập sinh hoạt thanh thiếu nhi Tây Ninh, Trung tâm khuyến nông Tây Ninh, Công ty Cổ phần Doanh nhân Tây Ninh, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục TPA). Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, phương tiện vận chuyển...Bên cạnh đó, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, tạo việc làm đối với lao động nông thôn, người khuyết tật, lao động nữ với nhiều hình thức khác nhau.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, công tác đào tạo nghề đã đạt được một số kết quả thiết thực, song Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng nhìn nhận, thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều khó khăn.  Mặc dù, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện theo nội dung hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bảo đảm người khuyết tật chiếm ít nhất 10%, lao động nữ chiếm ít nhất 40% chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo của tỉnh và đảm bảo tỷ lệ số người học nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động theo mục tiêu đã xác định của tỉnh đến năm 2020. Tuy nhiên, đối tượng ưu tiên thuộc nhóm 1 tham gia học nghề còn gặp nhiều khó khăn, do đó số học viên tham gia không nhiều, chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Đặc biệt nhất là ưu tiên dành 10% kinh phí cho đối tượng người khuyết tật nhưng rất ít người học. Công tác điều tra khảo sát và lập kế hoạch dạy nghề ở một số địa phương chưa sát nhu cầu học nghề của người lao động, dẫn đến chậm triển khai mở lớp, Chưa huy động được các nguồn lực để tham gia hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước.

Năm 2018, chỉ tiêu nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh là 4.606 lao động nông thôn, trong đó, lao động thuộc đối tượng 1 là 442 người, lao động nữ chiếm khoảng 40%, lao động là người khuyết tật chỉ chiếm ít nhất 10%; đào tạo nghề nông nghiệp 3.437 lao động, nghề phi nông nghiệp 1.169 lao động.

Tổng kinh phí phân phổ 7.402 triệu đồng, trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: 3.872 triệu đồng, kinh phí địa phương: 3.530 triệu đồng.

Nguyên Vĩ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây