Đại biểu xoáy sâu câu chuyện cải cách hành chính và khai thác cát

Thứ hai - 16/07/2018 08:00 129 0
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 vừa kết thúc. Trong kỳ họp lần này, 2 trong 3 nội dung chất vấn được đại biểu đặc biệt quan tâm là công tác cải cách hành chính và việc khai thác cát trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, khu vực hồ Dầu Tiếng.

Đưa cán bộ thuế vào bộ phận một cửa

Thủ tục rườm rà, thái độ cán bộ thờ ơ, thậm chí làm khó người dân khi đến giải quyết các thủ tục hành chính là những phản ánh của cử tri thời gian qua với các đại biểu HĐND. Đây cũng là nội dung đầu tiên được đưa ra trong phiên chất vấn. 

Ông Trương Văn Hùng- Chánh Văn phòng UBND tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu- Ảnh Hồng Thắm.

Theo ông Trương Văn Hùng- Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cải cách thủ tục hành chính nhiều năm qua đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, tổ chức nhiều giải pháp thực hiện.

Kết quả đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua các chỉ số như sau: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 1 bậc, đứng thứ 19/63 tỉnh thành; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, Tây Ninh đứng thứ 5/16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm có điểm số trung bình cao (sau 16 tỉnh thuộc nhóm có điểm số cao nhất); chỉ số cải cách hành chính năm 2017, Tây Ninh xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 12 bậc so với năm 2016); chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính do Bộ Nội vụ thực hiện năm 2017, tỷ lệ về sự hài lòng Tây Ninh đạt 79%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, ông Hùng cũng thừa nhận, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông thời gian qua còn trễ hẹn nhiều. Trong đó trễ hẹn nhiều nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khâu trễ chính là ở bộ phận thu thuế.

Trước ý kiến của Chánh Văn phòng UBND tỉnh, đại biểu Võ Văn Dũng cũng khẳng định thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã rất quyết tâm trong việc cải cách hành chính.

Nhưng bên cạnh những nỗ lực đó, vẫn còn một vài người không làm tốt nhiệm vụ. Nếu để như vậy sẽ phủ nhận toàn bộ những thành quả có được trước đó. Vì vậy, ông Dũng yêu cầu Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trương Văn Hùng cần đưa ra giải pháp thật cụ thể để giải quyết căn cơ vấn đề cán bộ trong thời gian tới.

Cũng liên quan đến yếu tố con người, đại biểu Kim Thị Hạnh cho rằng, tại sao ở những cơ sở công chứng tư, nhân viên lại niềm nở, hướng dẫn chi tiết, nhưng ở cơ sở công chứng công lại thờ ơ, làm chậm trễ hồ sơ. “Cơ chế, cơ sở, thiết bị đã có, phần còn lại là con người làm việc, đây mới là bản chất, do đó cần xoáy sâu vào vấn đề công chức hiện nay”- bà Hạnh nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Lý Bá Thuận, hiện nay các cơ quan lấy lý do hồ sơ nhiều, không giải quyết kịp nên trễ hẹn. Ông đặt câu hỏi, lấy cơ sở nào để chứng minh “đông” dẫn đến chậm trễ.

“Có những trường hợp, thời gian hẹn nhận hồ sơ là 3 tuần, đến khi người dân đến lấy vẫn chưa có. Ngược lại, có những hồ sơ chỉ 3-4 ngày đã làm xong, vậy có “ẩn ý” gì đằng sau những hồ sơ này hay không?”, đại biểu Thuận nghi vấn.

Ngoài việc yêu cầu cán bộ công chức phụ trách giải quyết thủ tục hồ sơ, hành chánh, cũng theo đại biểu Kim Thị Hạnh, tỉnh cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa trong việc giám sát cán bộ những bộ phận nhạy cảm như thuế, tài nguyên môi trường, tư pháp… bằng cách lắp đặt camera giám sát để phản ánh đúng thực chất sự việc.

Đại biểu Kim Thị Hạnh đặt câu hỏi về vấn đề cải cách hành chính- Ảnh Hồng Thắm.

Đại biểu Hạnh cũng đề xuất việc đưa cán bộ thuế vào bộ phận một cửa. Vì theo nhận định của Chánh Văn phòng UBND tỉnh, hồ sơ bị trễ hẹn nhiều nhất là ở khâu thuế. “Khi đó, cán bộ thuế sẽ phải đối mặt với người dân nếu hồ sơ trễ hẹn chứ không phải là những cán bộ ở bộ phận một cửa, hay cán bộ tài nguyên môi trường”, đại biểu Hạnh phân tích.   

Ngoài ra, theo đại biểu Hạnh, hiện nay các cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cũng đang chịu áp lực không nhỏ do số lượng hồ sơ, công việc cần giải quyết nhiều.

Do đó, một giải pháp nữa tỉnh cần xem lại chế độ lương thưởng đã xứng đáng hay chưa, và cần xây dựng chế độ động viên khen thưởng đối với những cán bộ phụ trách công việc này.

Người dân có thể gửi hồ sơ giải quyết bằng điện thoại di động

Trả lời những câu hỏi đặt ra của đại biểu về việc giải quyết hồ sơ trễ hẹn, việc đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan bộ phận, ông Trương Văn Hùng- Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, từ sau khi Tây Ninh xây dựng Trung tâm hành chính công, các hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, nên việc trễ hẹn ở cấp tỉnh ít xảy ra, đa số ở cấp huyện, xã.

Ông Hùng cho biết, hiện nay việc ghi nhận hồ sơ được thực hiện thông qua phần mềm điện tử một cửa. Qua phần mềm này, hồ sơ nhận vào sẽ kiểm soát được từng khâu, từng công đoạn.

Nhưng hiện nay ở các huyện, xã, cán bộ không thực hiện đúng quy trình, chủ yếu do một người thực hiện. Do đó, việc trễ hẹn hiện nay chưa thể quy trách nhiệm cho ai. Sắp tới sẽ tổ chức thực hiện đúng theo quy trình để xác định lỗi ở từng khâu, do người nào chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin Truyền thông xây dựng Trung tâm điều hành kinh tế xã hội và xây dựng đề án lắp đặt camera giám sát ở các bộ phận một cửa từ xã đến huyện, đồng thời kết nối các điểm về một trung tâm, sau đó phân quyền cho các cơ quan để giám sát, theo dõi thái độ làm việc của cán bộ cũng như tiến độ giải quyết công việc hằng ngày.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Phó Giám đốc Sở TTTT chia sẻ thông tin về phần mềm điện tử một cửa- Ảnh Hồng Thắm

Về việc đưa cán bộ thuế vào làm ở bộ phận một cửa, hiện nay, UBND tỉnh cũng đã có phương án phối hợp với các đơn vị liên quan và sẽ tiến hành thực hiện trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết các thủ tục.

Chia sẻ thêm về vấn đề minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, ông Nguyễn Tấn Đức- Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông cho rằng, khi hồ sơ đã đưa vào bộ phận tiếp nhận và ghi nhận vào phần mềm, phần mềm có tính năng nhắn tin cho người đăng ký hồ sơ. Hiện nay, Sở đang xin ý kiến của UBND tỉnh về việc nhắn tin qua SMS của điện thoại di động hoặc qua ứng dụng zalo để người dân có thể giám sát được thời gian của từng bộ phận xử lý hồ sơ.

Ông Đức cũng cho biết thêm, thời gian qua Tây Ninh đã áp dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, người dân ở nhà vẫn có thể dùng máy tính để gửi hồ sơ. “Hiện nay Sở Thông tin Truyền thông đang xây dựng phần mềm gửi hồ sơ qua điện thoại di động.

Trong thời gian khoảng 1-2 tháng nữa, người dân có thể dùng điện thoại di động để gửi những hồ sơ đơn giản. Từ đó hạn chế tiếp xúc với cán bộ một cửa, hạn chế được những tiêu cực xảy ra”, ông Đức cho biết.    

Cần chấm dứt ngay tình trạng khai thác cát trái phép

Liên quan đến vấn đề khai thác cát, ông Trần Minh Sơn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay Tây Ninh cấp 19 giấy phép hoạt động khai thác cát, với tổng trữ lượng khai thác trên 9 triệu m3, công suất khai thác vào khoảng 660.000 m3/năm.

Thời gian qua, Sở TN-MT cũng đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện và xử lý trên 18 vụ, bắt trên 51 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng.

Theo ghi nhận của ông Sơn, hiện nay hoạt động khai thác cát trái phép trong hồ không còn, việc khai thác cát gây sạt lở đất ở, đất sản xuất cũng được xử lý và theo dõi.

Trước báo cáo của ông Sơn, đã có 8 đại biểu với 10 lượt câu hỏi được đặt ra.

Đại biểu Võ Văn Dũng đặt vấn đề “Báo cáo không còn khai thác trái phép có đúng với thực tế hay chưa, trong khi cử tri vẫn còn phản ánh, đường vẫn bị xe cày hư hỏng nặng?”.

Ông Dũng đề nghị Sở TN-MT cần đưa ra giải pháp cụ thể cũng như thời gian cụ thể chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay để có cơ sở thông báo đến cử tri.

Đại biểu Võ Văn Dũng đặt câu hỏi đối với ngành TNMT- Ảnh Hồng Thắm

Còn đại biểu Lê Quang Tuấn đặt vấn đề, việc khai thác cũng cần phải tiến hành đấu giá, thời gian qua việc khai thác cát trên địa bàn có được tổ chức đấu giá hay không? Theo quy định, các mỏ khai thác phải được đặt trạm cân và thiết bị camera giám sát. Vì sao thời gian qua Tây Ninh không thực hiện, và đến khi nào khắc phục xong vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề phát huy vai trò giám sát của người dân, đại biểu Phạm Văn Tín cho rằng, người dân khó thể thực hiện quyền giám sát được khi mà các thông tin về giấy phép khai thác cát của các doanh nghiệp không được công khai, chủ yếu đặt tại văn phòng của doanh nghiệp.

Trữ lượng khai thác cát theo giấy phép và trên thực tế chênh lệch, gây thất thoát ngân sách của tỉnh là vấn đề đại biểu Nguyễn Văn Hùng đặc biệt quan tâm. Theo ông, công suất khai thác cát thực tế gấp 3 lần so với giấy phép.

Ông Hùng đặt câu hỏi: “Báo cáo thuế trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy số tiền thu từ khai thác cát khoảng 22 tỷ. Nhưng đúng ra ít nhất phải trên 60 tỷ. Phần chênh lệch này ngành tài nguyên môi trường và thuế tính như thế nào”.

Các đại biểu khác cũng đặc biệt quan tâm đến các giải pháp nhằm chấm dứt ngay tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay, cũng như việc quản lý, tránh tình trạng đầu cơ đẩy giá cát lên cao, gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng cơ bản của tỉnh…

Trước các câu hỏi được đặt ra, ông Trần Minh Sơn giải trình, từ tháng 9.2017 Tây Ninh đã thành lập tổ liên ngành để giám sát việc khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng. Tổ thường xuyên tổ chức triển khai giám sát và kịp thời phát hiện xử lý.

Trong quy định pháp luật, về phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình, UBND ban hành khu vực đấu giá hoặc không đấu giá. Theo quy hoạch 2013-2015, các điểm mỏ khoáng sản được quy hoạch nằm trong danh mục không đấu giá, do đó đã cấp phép theo hình thức không đấu giá.

Về việc lắp đặt vị trí trạm cân và camera giám sát, do trước đây không có hướng dẫn rõ ràng, khi Thông tư 61 được ban hành (có hiệu lực 7.3.2018), Sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện, vừa qua cũng đã thỏa thuận được vị trí và thực hiện. Sau đó Sở cũng đã tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện của các doanh nghiệp.

Về việc thất thu ngân sách, đã truy thu được trên 10 tỷ đồng, dự kiến sẽ truy thu 12 tỷ mỗi quý.

Về các giải pháp quản lý, ông Sơn cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng có liên quan để tiến hành giám sát giá cát, cũng như việc khai thác các để kịp thời xử lý khi phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, tới đây Sở cũng sẽ cập nhật, điều chỉnh nội dung cấp giấy phép, theo đó, các phương tiện vận chuyển cát phải có gắn logo, có camera hành trình theo dõi.

Bên cạnh đó, việc giấy phép khai thác cát được cấp cho doanh nghiệp và cấp đến xã có khu vực cát đang khai thác. Do đó ông Sơn đề nghị xã công khai cho dân nắm và cùng tham gia giám sát với ngành chức năng.

 Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây