Giáo dục thông minh trong đó công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò quan trọng trong quản lý, dạy và học. Ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý, hoạt động dạy và học. Là một trong những lĩnh vực được triển khai trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, ngành Giáo dục Tây Ninh đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, dạy và học... để sớm thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Theo Sở Giáo dục vào Đạo tạo tỉnh Tây Ninh, trong các năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự điều hành của lãnh đạo Sở GDĐT, việc ứng dụng CNTT trong ngành GDĐT có nhiều chuyển chuyển biến tích cực và đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Hệ thống các trường học được kết nối internet bằng đường truyền cáp quang đạt 100%. Các phần mềm được cập nhật kịp thời, đầy đủ và ứng dụng có hiệu quả các phần mềm đã được Bộ GDĐT triển khai trong các năm học. Sở GDĐT đã xây dựng và khai thác triệt để các cổng thông tin điện tử, website của cơ sở giáo dục các bậc học phục vụ cho công tác quản lí và dạy học. Cơ sở dữ liệu thống kê, nhân sự, phổ cập giáo dục của ngành được áp dụng một cách tốt, phục vụ khai thác trực tuyến với Bộ GDĐT. Sở GDĐT đã phát động các hội thi ứng dụng CNTT, thiết kế bài giảng e-leaming cho các cấp học hàng năm ở các môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý, GDCD, tiếng anh, toán , vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, âm nhạc, mĩ thuật và thi thiết kế website của đơn vị, trường học. Sở GDĐT đã ứng dụng phần mềm quản lý giáo viên và quản lý điểm học sinh, sổ liên lạc điện tử bằng phần mềm VNPT –School của VNPT Tây Ninh và Smas của Viettel cho các đơn vị, trường học.
Bên cạnh đó, Sở GDĐT đã chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên về kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các phần mềm dùng chung của tỉnh, trong đó sáng tạo triển khai các ứng dụng đến các cơ sở giáo dục trực thuộc.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc ứng dụng CNTT trong ngành GDDT vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các đơn vị quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục đã và đang được đầu tư trang bị cho việc quản lý, dạy và học, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, hiệu quả đạt được chưa cao, hầu hết các thiết bị máy tính đều được trang bị theo chương trình thay sách giai đoạn 2006 - 2010 cấu hình yếu và xuống cấp. Việc đầu tư mua sắm máy vi tính và các thiết bị khác trang bị phòng máy dạy môn Tin học còn hạn chế do kinh phí bố trí hạn hẹp, ưu tiên mua sắm, trang bị chủ yếu cho các đơn vị trường học mới thành lập hoặc thiết bị gắn liền với các công trình xây dựng mới, trường chuẩn quốc gia. Tại các trường tiểu học, trường THCS việc đầu tư cho công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng tốt cho việc dạy và học môn Tin học của giáo viên và học sinh. Hạ tầng mạng máy tính ở các phòng giáo dục và đào tạo chỉ là mạng LAN ngang hàng, không có máy chủ để tổ chức quản trị, điều hành. Hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cũng chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống phòng chống virus chủ yếu mới chỉ triển khai ở mức đơn lẻ tại các máy trạm, chưa có máy chủ để tích hợp dữ liệu, chưa hỗ trợ tường lửa ngăn chặn tấn công trên mạng ở các đơn vị, trường học.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong Sở, phòng và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết những ưu việt phần mềm CNTT mang lại, những chức năng, tiện ích của hệ thống thiết bị CNTT. Hệ thống thông tin quản lý giáo dục, phần mềm quản lý chuyên ngành, các cơ sở dữ liệu chưa đồng nhất, mang tính rời rạc, không khai thác và bổ trợ lẫn nhau, tốn thời gian thu thập, cập nhật nhiều lần.
Các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính mới chỉ áp được ở Sở Giáo dục và Đào tạo; Chưa cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mức độ 3,4, hầu hết các bộ thủ tục hành chính chỉ dừng ở mức độ 1,2.Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy ở các trường học còn yếu, chỉ tốt ở trường trung học phổ thông và một số ít trường trung học cơ sở. Các phần mềm thí nghiệm ảo, phần mềm soạn giảng e- Learning chưa được ứng dụng nhiều, thường xuyên trong ngành đế tiết kiệm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả đào tạo, chỉ ở mức là đáp ứng các cuộc thi. Tỷ lệ các trường học mới thiết lập và sử dụng website nên vẫn còn ít, các giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm, tài liệu e-Learning, tiết dạy tốt chưa được biên tập chia sẻ, trao đổi, đăng tải ở các website của các đơn vị.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở Sở, các phòng giáo dục và đào tạo, trường trung học cơ sở, trường tiểu học, mầm non còn thiếu, đặc biệt là thiếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin ở phòng, trường chủ yếu là giáo viên tin học kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chính qui về công nghệ thông tin. Thói quen, ngại thay đổi phương thức làm việc của một số bộ phận cán bộ công chức, cán bộ quản lý ở các đơn vị, trường học còn là rào cản lớn trong việc triển khai ứng dụng hệ thống thông tin quản lý giáo dục. Nhiều giáo viên ở các môn xã hội, giáo viên lớn tuổi e ngại việc sử dụng phần mềm, thiết bị công nghệ làm phương tiện giảng dạy; trình độ, kỹ năng về công nghệ thông tin không đồng đều ở các cấp học, bậc học (mạnh ở THPT và yếu dần đến mầm non) là khó khăn lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ngành chưa có đào tạo công nghệ thông tin chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyên trách về công nghệ thông tin để quản lý kỹ thuật hạ tầng mạng, cơ sở dữ liệu cho các trường, phòng giáo dục và đào tạo, chủ yếu thông qua tập huấn của Sở Thông tin và Truyền thông hàng năm.
Đến nay, tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ sở giáo dục nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại Sở, phòng, các đơn vị, trường học. Trong các cơ sở giáo dục không có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, giáo viên tin học ngoài việc giảng dạy môn Tin học còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên việc kiêm nhiệm dẫn đến không thu hút được sự cống hiến, tận tâm về công tác công nghệ thông tin để đẩy mạnh phát triển công tác quản lý ở các cơ sở giáo dục.
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý, điều hành cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đối mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá; nghiên cứu khoa học; công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại tỉnh Tây Ninh. Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch xây dựng giáo dục thông minh năm 2018 và định hướng đến năm 2020.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2018 và các năm tiếp theo, hình thành cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) Tây Ninh gồm: Hệ thống thông tin. Phấn đấu 100% các đơn vị, trường học thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. 70% cuộc họp giữa Sở GDĐT, Phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục và đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến. 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua hình thức trực tuyến. 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4.
Trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý thì đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên: Hình thành kho học liệu số dùng chung toàn ngành, gồm bài giảng, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường; trong đó 70% trường học sử dụng sổ quản lý điện tử. Đối với trường Cao đẳng Sư phạm: Hình thành cổng thông tin thư viện điện tử toàn ngành liên thồng, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo, áp dụng phương thức học tập kết hợp, phát triển một số mô hình trực tuyến.
Đến năm 2020, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến trong nước, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công nghệ thông tin trở thành động lực đổi mới quản lý, nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá trong giáo dục và đào tạo.
Kế hoạch xây dựng giáo dục thông minh tập trung vào 8 nhóm giải pháp: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho Sở, phòng và các đơn vị, trưòng học; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn ngành GDĐT, xây dựng, khai thác các ứng dụng CNTT theo hướng hiện đại, thiết thực, hiệu quả, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ CNTT; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học; Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ứng dụng CNTT trong lĩnh giáo dục và đào tạo; Hoàn thiên cơ chế chính sách và lộ trình triển khai kế hoạch.
Trong đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học thì kế hoạch tập trung ứng dụng dạy học thông minh ở các cơ sở giáo dục địa phương có đủ điều kiện ứng dụng trên nguyên tắc thiết thực và hiệu quả (năm 20018, chọn Thành phố Tây Ninh và Trảng Bàng thí điểm). Đồng thời, triển khai hệ thống học tập trực tuyến tại các trường THPT, lựa chọ các bài giảng trực tuyến của nước ngoài phù hợp với điều kiện trong nước.
Tổng
kinh phí thực hiện kế hoạch hơn ba tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho
sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo phân cấp ngân sách; nguồn kinh phí lồng ghép
trong các chương trình, đề tài, dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và nguồn
xã hội hóa. Trong đó, nguồn xã hội hóa tập trung xây dựng hệ thống camera an
ninh cho các đơn vị, trường học.
Nguyên Vĩ